Chế tài hành vi lãng phí
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sau 25 năm triển khai, tỷ lệ tiếp cận điện của Việt Nam đã tăng từ 14% năm 1993 lên mức 99% vào năm 2018. Trong khoảng thời gian 25 năm đó, đã có hơn 14 triệu hộ gia đình với khoảng 60 triệu người được kết nối với lưới điện. Để đạt được điều này, yêu cầu về tài chính là rất lớn. Chỉ tính từ năm 2010 tới nay, đã có 80 tỷ USD được đầu tư vào ngành điện ở các khâu phát điện, truyền tải và phân phối. Tuy nhiên, tiêu thụ điện bình quân trên đầu người tại Việt Nam hiện đạt 1.700 kWh/người/năm, vẫn thấp hơn so với bình quân quốc tế và hiện chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc, 1/5 của Australia. Trong khi đó, với thực tế nền kinh tế tăng trưởng mạnh và điều kiện của người dân tốt hơn, việc tiêu thụ điện chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, ước tính khoảng 8%/năm trong thập kỷ tới. Điều này cũng đặt ra thách thức mới trong huy động vốn để phát triển năng lượng nói chung, trong đó đặc biệt là điện. Theo tính toán của WB, nhu cầu vốn cho phát triển điện từ nay tới năm 2030 là 150 tỷ USD. Tuy nhiên, nhu cầu huy động này đang gặp phải những thách thức lớn.
Trong một hội nghị mới đây về tìm giải pháp cho nguồn cung năng lượng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, theo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 có xét đến năm 2030 thì nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 148 tỷ USD. “Điện sản xuất tính trên đầu người năm 2018 là 2.000 kWh/người, con số này đến năm 2030 phải đạt 6.000 kWh/người, bằng với các nước phát triển hiện nay. Do đó, cần thiết phải có nguồn vốn lớn cho việc phát triển dài hạn này”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An giải thích thêm. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, từ trước đến nay đầu tư vào ngành điện vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (các tập đoàn EVN, TKV, PVN). Tuy nhiên, Chính phủ ngày càng nhận thấy việc tham gia của khu vực tư nhân đầu tư vào ngành điện là quan trọng. Do vậy, Chính phủ đã ban hành các chính sách để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân, giảm bớt vốn đầu tư của nhà nước vào ngành điện. Bên cạnh gia tăng nguồn cung điện từ phía nhà đầu tư tư nhân, cần thiết ban hành luật về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả nhằm kiểm soát lãng phí nhu cầu sử dụng. Bởi theo tính tính toán của Bộ Công thương, hệ số đàn hồi (tỷ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tăng GDP) trước đây của ngành điện là 1,8% - 2% nhưng Chính phủ kỳ vọng con số này sẽ giảm còn 1% để đảm bảo tính cạnh tranh cho cả nền kinh tế. Do vậy, sắp tới chính sách không dừng ở việc khuyến khích tiết kiệm mà phải bắt buộc tiết kiệm điện và có chế tài. Việc giảm cường độ sử dụng năng lượng đòi hỏi phải có chế tài đủ mạnh và cần sự vào cuộc của cả xã hội.
Khuyến khích đầu tư “điện sạch”
Để có thể thu hút được 150 tỷ USD đầu tư cho ngành điện vào năm 2030, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, cho rằng trước mắt Việt Nam cần minh bạch trong việc đấu thầu các công nghệ mới và có khung pháp lý mạnh mẽ, tạo niềm tin để thu hút nhà đầu tư tư nhân. Đồng thời, cần đảm bảo các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng khi có thể tiếp cận vốn. Cuối cùng là giải quyết vấn đề về việc mua bán điện và giá điện. “Hiện WB đang hợp tác với Bộ Công thương về cơ chế đấu thầu điện mặt trời, trong đó thảo luận nhiều về cơ chế mua điện và làm thế nào để thu hút đầu tư tư nhân. Do đó, nếu cơ chế đấu thầu thành công thì vấn đề mua bán điện và giá điện sẽ được giải quyết”, đại diện WB cho hay. Liên quan đến việc phát triển và thúc đẩy ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới theo hướng hạn chế nhiệt điện than và tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, đại diện WB đánh giá đang là một thách thức rất lớn, đặc biệt trong điều kiện cần nguồn vốn lớn và đòi hỏi sự thay đổi về chính sách cho phù hợp từ Chính phủ. Do đó, ngay từ bây giờ Chính phủ cần xây dựng, triển khai các công ty phát triển điện tư nhân phục vụ cho Tổng sơ đồ điện VII, giúp doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các nguồn tài chính thương mại thông qua việc đánh giá tín dụng và phát hành trái phiếu phi Chính phủ.
Ủng hộ Việt Nam thu hút đầu tư gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo, ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách năng lượng bền vững cho tương lai. Trong đó, mục tiêu đặt ra là tăng được nguồn cung năng lượng, đủ năng lượng và huy động nguồn năng lượng được cung cấp từ điện mặt trời trên mái nhà của các hộ gia đình với mức giá phải chăng, giảm ô nhiễm và tiêu hao năng lượng. Bởi theo ông Bruno Angelet, hiện việc tăng giá thu mua điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã làm nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Nhưng mối quan tâm này chưa được hiện thực hóa thành nguồn đầu tư hiệu quả với quy mô lớn vì hợp đồng mua bán điện vẫn thiếu sự đảm bảo về tính pháp lý. Ngoài ra, nguồn cung từ năng lượng tái tạo lớn và Việt Nam có thể tiếp nhận nguồn cung lớn này nên trong thời gian ngắn phải điều chỉnh và cập nhật lại kế hoạch đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là chiến lược năng lượng mới của Việt Nam phải toàn diện, bổ sung nguồn cung năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện để tiếp nhận nguồn điện này; thực hiện cam kết để cắt giảm khí thải trên cơ sở quá trình chuyển đổi năng lượng.