Tạo đòn bẩy kích thích sản xuất phát triển
Số liệu của Sở Công thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 574.984 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,5%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 373.368 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 64,94% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 12,7%).
Nhìn chung, tình hình thị trường trong nước tiếp tục được đảm bảo ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng ổn định, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ đang tạo cơ hội lớn cho các DN sản xuất kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại. Tính đến nay, TPHCM đã có 239 chợ, 205 siêu thị, 46 trung tâm thương mại và 2.360 cửa hàng tiện lợi.
Trong đó, hệ thống siêu thị trong nước chiếm ưu thế với số lượng điểm bán đạt 151/205 siêu thị (tỷ trọng 73,6%), các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước cũng đang chiếm tỷ trọng cao (trên 67%).
Theo nhận định của ông Nguyễn Phương Đông, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng cao; động lực phát triển thị trường bán lẻ đến từ 2 yếu tố cốt lõi là tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng thành phố nói riêng và cả nước nói chung luôn giữ được ở mức cao, đồng thời tạo động lực đòn bẩy để kích thích sản xuất trong nước, nhất là đối với những DN sản xuất những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.
Lĩnh vực thương mại luôn duy trì sức mua tăng trưởng ổn định nhờ phát triển được hệ thống phân phối hiện đại; các giải pháp kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường được triển khai thường xuyên và hiệu quả, thể hiện được vai trò của một trung tâm phân phối, lưu chuyển hàng hóa; lưu thông hàng hóa thông suốt, giá cả, cung - cầu hàng hóa thiết yếu được ổn định.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa trong nước được dự báo chưa có yếu tố tác động bất lợi nên dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 có thể đạt mức tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra (tăng 12%).
Phát triển rộng khắp mạng lưới bán lẻ
Trong công tác bình ổn thị trường (BOTT), TPHCM đã xây dựng và triển khai từ ngày 1-4-2019 đối với 4 chương trình BOTT năm 2019 - Tết Canh Tý năm 2020 theo Quyết định số 1223 của UBND TPHCM.
Cụ thể, với Chương trình BOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, TP tiếp tục đưa 10 nhóm hàng thiết yếu vào danh sách bình ổn, gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô …); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị, các tháng thường, lượng hàng BOTT chiếm từ 25% - 30% nhu cầu thị trường và các tháng tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 30% - 40% nhu cầu thị trường.
Với Chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, TP bình ổn 4 nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao gồm tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày. Lượng hàng BOTT chiếm từ 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP năm học 2019 - 2020.
Chương trình BOTT các mặt hàng sữa cũng đưa 4 nhóm sản phẩm sữa vào bình ổn gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường); sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống).
Lượng sữa tham gia bình ổn thị trường là 1.455,6 tấn/năm (121,3 tấn/tháng) và 1,2 triệu lít sữa nước/năm (100.039 lít/tháng).
Tương tự, đối với Chương trình BOTT các mặt hàng dược phẩm cũng sẽ duy trì các nhóm thuốc thiết yếu, có mức độ sử dụng phổ biến trong nhân dân. Tổng sản lượng thuốc bình ổn chiếm khoảng 50% thị phần thuốc trên địa bàn TPHCM và được phân phối rộng khắp trên tất cả các bệnh viện trung ương trên địa bàn TPHCM và các bệnh viện của TP.
Cùng với việc phát triển rộng khắp mạng lưới bán lẻ, triển khai tạo nguồn hàng để BOTT, TPHCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức nhiều chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thuận lợi.
Theo kế hoạch, từ ngày 12 đến 14-9-2019, TP sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố năm 2019, với quy mô thu hút hàng ngàn DN trên nhiều địa bàn của cả nước tham gia.
Tại đây, các địa phương sẽ giới thiệu nhiều mặt hàng đặc sản để các kênh phân phối lựa chọn đưa vào hệ thống, từ đó tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng TP trong những dịp mua sắm cuối năm.
Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên Sở Công thương phối hợp với Công ty MM Mega Market thực hiện “Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan” với quy mô khoảng 150 gian hàng, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27-10-2019 tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Đây cũng chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của TPHCM nhằm đưa hàng hoá tiếp cận hiệu quả với các hệ thống phân phối và nguời tiêu dùng tại Thái Lan. Mục đích chính của tuần lễ là giúp các DN có thêm các cơ hội để tiếp cận trực tiếp với đối thu mua và bán hàng vào hệ thống 1.000 siêu thị Big C tại Thái Lan.
Qua đó, DN sẽ tăng cường xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại chỗ, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng và sức mua của khách hàng cũng như nhu cầu của các DN phân phối hàng hóa tại Thái Lan; xây dựng tiền đề, phương hướng, chiến lược phát triển thị trường cho hàng Việt Nam tại Thái Lan.
Sở Công thương TP đã và đang tiến hành làm việc với các tỉnh, thành có nhiều tiềm năng về nguồn cung hàng hóa để tiến hành rà soát, lựa chọn các các mặt hàng đặc sản tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hóa tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan. Đồng thời, sở cũng đang phối hợp với các sở ngành và Công ty MM Mega Market tổ chức mời DN có uy tín, năng lực xuất khẩu tham gia giới thiệu hàng hóa và kết nối với các hệ thống phân phối tại Thái Lan, góp phần thúc đẩy kim ngạch giao thương giữa 2 nước tăng trưởng bền vững. |