Sáng 13-12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với UNFPA tại Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến và phát động phong trào thi đua thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Để triển khai thực hiện các chính sách đối với thanh niên quy định tại Luật Thanh niên năm 2020; trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24-7-2021 ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Chiến lược là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách phát triển thanh niên, bảo đảm phù hợp với hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn với trách nhiệm tổ chức thực hiện của từng cấp, từng ngành; đồng thời phát huy vai trò, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân và thanh niên.
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 quy định mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể với 20 chỉ tiêu tác động đến sự phát triển toàn diện của thanh niên trên các lĩnh vực.
Các mục tiêu, chỉ tiêu được xây dựng bảo đảm thống nhất với quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên; phù hợp với xu thế quản lý và sự phát triển của thanh niên trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa; đồng thời phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu và chỉ số phát triển thanh niên khu vực ASEAN.
Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường phối hợp hiệu quả, trách nhiệm với Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bố trí nguồn lực thích đáng nhằm đầu tư, kiến tạo cho thanh niên môi trường thuận lợi để phát triển toàn diện, cống hiến vì tương lai Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm, hỗ trợ nguồn lực để Chính phủ Việt Nam, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chiến lược đề ra.
Thời gian tới, UNFPA cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho sự tham gia và phát triển toàn diện của thanh niên, kể cả trong các chính sách và chương trình quản lý thiên tai. UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chương trình hành động hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, góp phần đảm bảo sự phát triển cân bằng, công bằng và bền vững, từ đó không ai bị bỏ lại phía sau, bao gồm nhóm thanh niên dễ bị tổn thương nhất.
Tại hội nghị, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đưa ra con số năm 2019, Việt Nam có 20,4 triệu thanh niên độ tuổi 10-24 (chiếm 21% dân số), đây là tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sự quốc gia, tạo nên tiềm năng lợi tức nhân khẩu học.
Bà Naomi Kitahara kêu gọi Chính phủ phân bổ ngân sách phù hợp để giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, trong đó có cung cấp thông tin, giáo dục và dịch vụ cho thanh niên, đặc biệt là nhóm thanh niên dễ bị tổn thương bao gồm cả thanh niên bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo để tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược. Trong đó, chú trọng xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật đối với nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi...