Cần định danh Uber, Grab
Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, về bản chất, Uber và Grab gần giống loại hình taxi. Hai đơn vị này cung ứng phần mềm nhưng lại tự quyết định giá cước, thu cước và trực tiếp điều hành kinh doanh. Hiện TPHCM đang xây dựng quy hoạch phương tiện nhưng rất lúng túng, chưa rõ Uber, Grab là taxi hay tương tự taxi để quy hoạch.
Cũng đồng thuận với ý kiến của Sở GTVT TPHCM, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cũng cho rằng, cần nhận diện đúng bản chất của Uber, Grab để quản lý chứ không cấm, Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quyết định quản lý loại hình này như taxi, như vậy phù hợp với bản chất hơn là xe hợp đồng.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Dần, Phó GĐ Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa lại cho rằng, có đến hơn 80% số lượng xe hoạt động Uber, Grab là xe mới mua để kinh doanh chứ không phải xe nhàn rỗi. Các xe cá nhân chỉ đưa vào các HTX để được cấp phù hiệu. Vấn đề ở đây là cần phải xác định lại bản chất của loại hình HTX vận tải, bởi trên thực tế, các HTX này đang hoạt động như là đơn vị kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải chứ không phải kinh doanh vận tải, đây là kẽ hở lớn nhất trong quản lý xe cá nhân.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đã được người dân ủng hộ do những ưu điểm vượt trội so với taxi truyền thống, đó là giá cước rẻ, minh bạch, rút ngắn được thời gian chờ xe, góp phần vào việc thay đổi chất lượng dịch vụ của hoạt động của các hãng taxi…
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng thừa nhận, một số đơn vị thí điểm còn chưa nghiêm trong việc chấp hành quy định và hướng dẫn, đó là không có phù hiệu xe hợp đồng; không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định; số lượng phương tiện tăng nhanh gây khó khăn trong công tác quản lý; các xe tham gia thí điểm không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như xe taxi; công tác kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Các ý kiến cũng cho rằng cần có chế tài để xử lý những vi phạm của đối tượng cung cấp phần mềm.
Sẽ giảm một số điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống
Bên cạnh việc tìm biện pháp quản lý taxi công nghệ, tại hội nghị, các ý kiến đều thống nhất, nghiên cứu giảm một số điều kiện kinh doanh đối với hoạt động của taxi truyền thống, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 86, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-12-2018. Trong đó, Bộ GTVT đã bổ sung một chương mới quy định hình thức, nội dung, điều kiện giao kết hợp đồng vận tải điện tử; quy định điều kiện hoạt động, trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị cung cấp phần mềm đối với Nhà nước, đối tác vận tải, tài xế và hành khách.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu kết luận Hội nghị. Nguồn: http: mt.gov.vn
Nghị định mới cũng sẽ điều chỉnh các quy định liên quan đến hoạt động vận tải của xe taxi, cụ thể việc điều hành xe taxi không bị hạn chế phải thực hiện thông qua bộ đàm, các hãng có thể sử dụng phần mềm điều hành đăng ký với sở GTVT địa phương. Bên cạnh đó đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi được kinh doanh vận tải hành khách theo xe hợp đồng và được sử dụng phần mềm kết nối vận tải điện tử.
Về việc hạn chế xe taxi trên một số tuyến đường, Bộ GTVT đã có kiến nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo tổ chức giao thông phù hợp để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương đã thí điểm được quyết định tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ khi lượng xe tang cao, gây áp lực lên hạ tầng và quản lý.
Hiện cả nước có 4/5 địa phương thực hiện thí điểm là Hà Nội, TPHCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện hợp đồng vận tải điện tử; 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó, TPHCM có 3 đơn vị cung cấp phần mềm là Công ty TNHH Grabtaxi, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, 506 đơn vị vận tải với 21.601 phương tiện.