Hội chợ triển lãm với quy mô hơn 160 gian hàng của hơn 120 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ôtô, điện tử, công nghiệp công nghệ cao, dệt may và các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác mở rộng theo chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP Đà Nẵng.
Lãnh đạo Bộ Công thương và UBND TP Đà Nẵng tham quan gian hàng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với các FTA đã ký kết, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố.
Có hơn 160 gian hàng tại hội chợ. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo ông Chinh, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo môi trường kết nối giao thương trực tiếp, thúc đẩy liên kết, hợp tác, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp chế biến chế tạo sản phẩm hoàn chỉnh tại thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây nguyên với doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập đoàn đa quốc gia.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt và chú trọng phát triển của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và đề ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%.
Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6-8-2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng nêu rõ công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Một trong những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu trên là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét hơn thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Trong khuôn khổ hội chợ triển lãm sẽ có các hội nghị, hội thảo bên lề được tổ chức như hội thảo kết nối Công nghiệp hỗ trợ tại TP Đà Nẵng năm 2023; hội thảo giải pháp tài chính cho chuỗi cung ứng doanh nghiệp và Hội thảo nâng cao nhận thức về các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp. Ngoài hoạt động kết nối trực tiếp, chương trình kết nối B2B trực tuyến cũng duy trì xuyên suốt thời gian diễn ra Hội chợ triển lãm.