Tảo mộ ngày giáp tết

"25 tháng Chạp là ngày tảo mộ, dù ai đang làm gì, ở đâu cũng phải nhớ đến ngày này" - câu nói cửa miệng nhắc nhớ nhau của người xưa bao năm nay được người dân ghi nhớ mãi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Năm 1975, theo ba má về sống tại quê nhà xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn (TPHCM), tôi mới biết đến ngày đoàn viên các thế hệ cháu con quây quần bên phần mộ ông bà, người thân. Từ 5 giờ sáng, tiếng gọi nhau í ới của bác Hai, anh Sáu, chị Tư, thằng Tửng “Tảo mộ bay ơi”.

Ngày đó quê tôi chưa có điện nên vào giờ đó là phải đốt lửa lên mới tỏ mặt nhau, mới thấy đường mà cuốc, cào, quét cỏ lá xung quanh các ngôi mộ. Trời vừa sáng là đến lúc bày lễ cúng lên từng ngôi mộ để người lớn dâng lễ. Mâm cúng ông bà cũng đơn sơ, không heo gà, cây trái nhập ngoại bày la liệt như bây giờ.

tao-mo-6856-0.png
Nhân viên Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM chăm sóc các phần mộ trong những ngày giáp tết

Tháng cuối năm thường là vào vụ thu hoạch đồ hàng bông với những sản vật nhà trồng được, nào là dưa leo, cà chua, đậu bắp, bầu bí; nào những giỏ hoa cúc, hoa vạn thọ tươi rói.

Các món ăn dâng cúng đều làm từ những sản vật này, nhà nào khá thì thêm miếng thịt luộc, heo quay với bánh bao, bánh hỏi. Trong lúc chờ nhang tàn là cô chú, dì, bác, con cháu, anh em nhận mặt nhau, kể ra người này con ai, người kia dâu, rể nhà nào; điểm xem lớp ông bà, chú bác, cô dì còn ai, mất ai, người nào ở xa năm nay không về, và chỉ từng ngôi mộ nằm dưới là ai, phải gọi bằng thứ mấy… Trước khi hạ mâm cúng trên từng phần mộ, bác Hai tôi gọi nhắc: “Ra xá ông bà đi bay”.

Phong tục tảo mộ ngày giáp tết có từ bao đời và trở thành một nét văn hóa truyền thống được người dân truyền giữ tới nay. Hàng năm cứ vào ngày này, dù ở xa tận đâu, ngoài những con cháu đang còn trong quân ngũ như tôi ngày đó không về được nhưng trong buổi sáng đoàn viên, họp mặt bên các phần mộ ông bà, đều được nhắc tới, như không chỉ với người sống đang hiện diện, mà còn dâng báo với người quá cố về sự vắng mặt “có lý do” này.

Nét đẹp truyền thống ấy đã dần lan tỏa, trở thành việc làm, nghĩa cử ý nghĩa đền ơn, báo đáp ông bà và đấng sinh thành mỗi độ tết đến, Xuân về.

Những năm sau này, điều kiện kinh tế và sinh hoạt, đi lại của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ đều phát triển, không còn nhất thiết ngày 25 tháng Chạp, mà ngày nào trước, trong hoặc sau rằm, cận tết đi tảo mộ đều được. Nhưng dù là thế, cao điểm tảo mộ bao giờ cũng là ngày 25. Năm nào ngày này trùng với nghỉ cuối tuần, là khắp nẻo đường, dòng người, xe cộ nối đuôi nhau chật cứng.

Những người trẻ nay cũng đã dần quen với phong tục truyền thống ngày tảo mộ. Bên những phần mộ, họ cùng kể nhau nghe những vất vả, thành bại trong năm qua. Mối thân tình, tương tác này còn mở ra cơ hội với nhiều người khi được tiếp cận, học hỏi nhau về công việc, cuộc sống và triển vọng nghề nghiệp, kinh doanh phát triển trong năm mới.

Cứ thế, ngày tảo mộ được mọi người lưu nhắc lại với nhau, không được quên ngày đoàn viên trọng đại này.

Tin cùng chuyên mục