Ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng
Khi thành lập tỉnh năm 2004, Hậu Giang có 2.001ha rừng. Đến năm 2007 diện tích rừng tăng lên 2.820ha; năm 2009 là 2.910ha. Vai trò của Chi cục Kiểm lâm tỉnh được phát huy cao độ trong thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng. Công chức, viên chức kiểm lâm tập trung về cơ sở, kiên trì tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp, khuyến khích trồng cây lâm nghiệp trên đất Viên Lang bãi bồi, đất vườn tạp và trên diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Đồng thời, trồng cây lâm nghiệp phân tán trên đất bờ kênh, đất công cộng, đất thổ cư; phát triển, nhân rộng các mô hình khuyến lâm. Nhờ đó, đến năm 2019, diện tích rừng nâng lên trên 3.000ha.
Đặc biệt, phong trào trồng cây phân tán của tỉnh Hậu Giang phát triển mạnh khi kết hợp xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 4,7 triệu cây; năm 2015 lên 5,3 triệu cây; năm 2017 là 8,3 triệu cây.
Theo số liệu thống kê được xác nhận của chi cục thống kê huyện, thị xã, thành phố, đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 8.354.682 cây lâm nghiệp. Trong đó, cây trên 3 năm tuổi là 3.221.252 cây, tương đương 2.013ha rừng (quy đổi 1.600 cây/ha). Đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh, số cây trồng phân tán trên 3 năm tuổi khoảng 3.200.000 cây, tương đương 2.000ha rừng. Từ đó, độ che phủ rừng hàng năm cũng đã tăng lên đáng kể: năm 2004 là 1,12%; năm 2017 là 1,89%; năm 2018 đạt 1,96% và đến năm 2019, đạt 2,65% (rừng 1,54%, cây phân tán 1,11%).
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang được xem là một trong những đơn vị làm tốt việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong công tác này, lực lượng kiểm lâm là nòng cốt, phối hợp với các đơn vị chủ rừng và địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Nhằm quản lý rừng hiệu quả, chi cục đã phân công 8 kiểm lâm về phụ trách địa bàn 12 xã có rừng, giúp UBND xã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, đã hạn chế tối đa thiệt hại xảy ra do các vụ cháy rừng từ năm 2004 - 2010. Đặc biệt, liên tiếp từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hậu Giang không xảy ra vụ cháy rừng nào”.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang đã thực hiện khá bài bản các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng QGis phiên bản 3.0.6; Google Earth; Firms; Windy.com phục vụ cho công tác quản lý rừng, theo dõi, cảnh báo cháy rừng. Ngoài ra, công chức, viên chức kiểm lâm còn sử dụng các app: vTools Survey, Measure Map, Geoare Calculator để đo, vẽ diện tích, chu vi ngoài thực địa, phục vụ cho công tác chuyên ngành.
Người dành nhiều tâm huyết giữ mảng xanh
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang Nguyễn Vĩnh Phúc là một người gắn bó với những vạt rừng của Hậu Giang. Sắp bước vào tuổi 60, ông Phúc đã có 36 năm công tác trong ngành kiểm lâm. Vị chi cục trưởng này là người khá am hiểu và dành nhiều tình cảm cho Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng. Nhiều lần chứng kiến ông xắn tay áo cùng lực lượng kiểm lâm diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng, rồi ngồi trên máy tính điều khiển, quan sát hệ thống camera được gắn trên các tháp canh lửa ở lung Ngọc Hoàng mới hiểu được sự tận tâm của ông.
Chuyện trò cùng ông Nguyễn Vĩnh Phúc về lung Ngọc Hoàng, ông nói khá tường tận: “Lung Ngọc Hoàng bao gồm thực vật thuộc hệ sinh thái trên cạn như trâm sắn, cây mua… và hệ sinh thái dưới nước gồm lục bình, bông súng, các loại bèo. Đây còn là nơi bảo tồn những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, nơi lưu trú của các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài thực vật quý hiếm và tái tạo các mẫu sinh cảnh cuối cùng còn sót lại của hệ sinh thái đất ngập nước”.
Một giá trị kinh tế quan trọng khác phải kể đến là nguồn lợi thủy sản. Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng nằm ở hạ lưu sông Hậu, giữa một mạng lưới sông ngòi, kinh rạch chằng chịt như sông Hậu, sông Cần Thơ, sông Cái Tư, kinh Quản Lộ, kinh Phụng Hiệp… Vì thế, khu bảo tồn sẽ là môi trường sống thuận lợi và là nơi sinh đẻ, trú ngụ của các loài thủy sản, rất có tiềm năng về khai thác nguồn lợi thủy sản nước ngọt. Kết quả khảo sát cho thấy, ở khu bảo tồn hiện có một số loài cá phổ biến có giá trị kinh tế như: bộ cá vược, bộ cá da trơn, bộ cá chép, bộ cá mang liền, bộ cá lìm kìm và bộ cá thát lát.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, lung Ngọc Hoàng còn là nơi bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử của vùng đồng bằng Tây Nam bộ; duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững.