Tạo lực đẩy cho tiêu dùng nội địa

TPHCM đang bước vào giai đoạn đầu của đợt khuyến mãi tập trung với nhiều hoạt động giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng. Hàng ngàn sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến dịch vụ, du lịch được khuyến mãi đậm.

Doanh thu bán lẻ tăng chậm

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước ước đạt hơn 2.580 ngàn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, giới kinh doanh nhìn nhận, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng qua đang chậm lại bởi cùng kỳ năm 2023 mức tăng lên tới 12,3%. Thêm vào đó, doanh thu bán lẻ tăng chủ yếu tập trung vào dịch vụ lưu trú, ăn uống (tăng 15,1%) và du lịch lữ hành (tăng 45,1%).

“Những con số nói trên đã phần nào phản ánh khó khăn của nền kinh tế đang ảnh hưởng nhất định đến người tiêu dùng và tác động trực tiếp đến doanh thu bán lẻ”, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, đánh giá. Ông thừa nhận, các nhà bán lẻ đang đối mặt với bài toán thúc đẩy doanh thu giữa bối cảnh sức cầu cũng như niềm tin của người tiêu dùng đang suy giảm.

XHH 8A.jpg
Nhiều giải pháp đang được đưa ra, trong đó có giảm giá để kích cầu tiêu dùng

Từ thực tế hoạt động kinh doanh, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, từ năm 2023 đến nay, sức mua có xu hướng giảm ngày càng sâu. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, không chỉ Vissan mà sức mua của nhiều doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng khác cũng bị giảm từ 15%-20%. Trong khi đó, với ngành hàng gia dụng và công nghệ, sức mua còn thê thảm hơn, bởi theo chia sẻ từ nhiều hệ thống siêu thị điện máy ở TPHCM, trước thềm vòng chung kết Euro 2024 nhưng sức mua tivi cũng chưa khởi sắc. “Thông thường vào dịp các mùa giải bóng đá quốc tế thì trước đó 1 tháng, sức mua mặt hàng tivi đã nóng lên. Tuy nhiên, năm nay, sức mua mặt hàng này chỉ tăng nhẹ với các dòng tivi từ 55 inch trở lên; những dòng tivi dưới 55 inch sức mua lại giảm khoảng 10%”, đại diện một siêu thị điện máy ở TPHCM cho biết.

Nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng

Để kích thích sức mua, Chính phủ vừa đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm nay - tức kéo dài thêm 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm ngoái, đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất VAT 10%. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này sẽ giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt trong mua sắm các mặt hàng tiêu dùng. Cùng với việc giảm VAT, các địa phương cũng công bố kế hoạch thực hiện tháng khuyến mãi tập trung. Điển hình bắt đầu từ ngày 15-6, TPHCM triển khai khuyến mãi tập trung với việc cho thương nhân, doanh nghiệp, nhà bán lẻ giảm giá hàng hóa đến 100%.

Nhằm tăng hiệu quả chương trình khuyến mãi tập trung, năm nay, TPHCM còn phối hợp, liên kết, hỗ trợ triển khai cùng các tỉnh, thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Qua đó, người tiêu dùng không chỉ ở TPHCM mà ở các tỉnh, thành nói trên sẽ được hưởng lợi từ các chương trình giảm giá, khuyến mãi một cách đồng nhất. Đặc biệt, để việc kích cầu tiêu dùng mang lại hiệu quả cao, TPHCM còn kết hợp triển khai đồng bộ với chương trình kết nối tín dụng, kết nối cung - cầu, khuyến mãi tập trung… với các địa phương. Nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, để kích cầu tiêu dùng, nhà bán lẻ này đã và đang chủ động thực hiện nhiều đợt khuyến mãi liên tục, kéo dài trên quy mô cả nước. Trong đó, đợt khuyến mãi gần nhất mà Saigon Co.op thực hiện là chương trình “Lễ hội mùa hè cho mẹ và bé”, kéo dài từ ngày 30-5 đến 12-6 với việc giảm giá đến 50% cho hơn 1.000 sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm và hàng tiêu dùng cho bé… Theo kế hoạch, nhà bán lẻ này đang có những hoạt động khuyến mãi khác để hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung mà TPHCM sẽ thực hiện từ giữa tháng 6. Với mỗi đợt khuyến mãi mới, Saigon Co.op đều tập trung vào những ngành hàng khác nhau nhằm giúp người tiêu dùng linh hoạt chi tiêu.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, kích cầu giảm giá trong khi người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng. Bởi lẽ lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 5 tháng qua dù chỉ tăng 7,4% nhưng lại chiếm tỷ trọng cao nhất. Vì thế, bên cạnh việc giảm thuế VAT và khuyến mãi trực tiếp cho hàng hóa, dịch vụ, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, phải có những giải pháp liên quan đến các ngành hỗ trợ. Ví dụ giải pháp liên quan đến thị trường bất động sản, tạo công ăn việc làm ổn định, lãi suất ngân hàng và giá vàng, ngoại tệ ổn định... tạo niềm tin của người tiêu dùng tốt hơn. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp kích thích các ngành công nghiệp phục vụ cho lĩnh vực phân phối và dịch vụ như logistics, hạ tầng, công nghệ... để tạo đà thúc đẩy cho lĩnh vực bán lẻ.

Tin cùng chuyên mục