Tạo lợi thế từ sản phẩm xanh và made in Danang

Dù phần lớn các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đều giảm thì xuất khẩu phần mềm của TP Đà Nẵng lại nổi lên khi duy trì được đà tăng trưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tạo lợi thế bằng sản phẩm khác biệt và xanh.

Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng)
Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng)

Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tháng 1-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều đạt 226 triệu USD, giảm 14,9% so với tháng trước và tăng 14,3% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 146 triệu USD, giảm 10,3% so với tháng trước và tăng 15,4% so với tháng cùng kỳ năm 2023.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng nhìn nhận, kim ngạch xuất khẩu của TP Đà Nẵng sụt giảm thời gian qua có nguyên nhân từ những tồn tại, nội tại của các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố. Cụ thể là giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp, chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và lao động giá rẻ; chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao. Phần lớn nguyên liệu làm hàng xuất khẩu của doanh nghiệp TP Đà Nẵng phải nhập từ nước ngoài nên khi thế giới biến động sẽ ảnh hưởng ngay…

dn-240216-da-nang-ra-quan-san-xuat-dau-nam-ko-bar00-00-21-08still001-4598.jpg
Kim ngạch xuất khẩu phần mềm tại TP Đà Nẵng duy trì được đà tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm trở lại đây

Dù phần lớn các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đều giảm điểm thì xuất khẩu phần mềm lại nổi lên khi duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo UBND TP Đà Nẵng, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu phần mềm toàn thành phố đạt 147,8 triệu USD, đạt 101,25% so với kế hoạch và tăng 12% so với năm 2022. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tại TP Đà Nẵng duy trì được đà tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phần mềm tăng bình quân 15%/năm, giai đoạn 2021 – 2023, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phần mềm tăng bình quân 16,3%.

Trong đó, Nhật Bản và Mỹ là những thị trường xuất khẩu lớn nhất (chiếm tỷ lệ 36% tại mỗi thị trường); thị trường các nước Liên minh châu Âu - EU (chiếm 16%); Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) (chiếm 12%). Các doanh nghiệp công nghệ số đã từng bước làm chủ công nghệ lõi của CMCN 4.0, phát triển các sản phẩm Make in Da Nang và đã nhân rộng thành công tại các địa phương khác như Hệ thống đo mưa tự động (triển khai toàn quốc với 2.000 trạm), CSDL cán bộ công chức (20 tỉnh thành); Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử, Hệ thống camera giao thông thông minh,…

Theo ghi nhận, Công ty Cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn, nằm trong Top 20 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam. Từ ngày 15-2 (mồng 6 tết), công nhân đã quay trở lại làm việc để bảo đảm các đơn hàng.

Bà Nguyễn Thị Phi Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho hay, năm 2023, doanh nghiệp không mua được nguyên liệu tại các tỉnh miền Trung do hoạt động nuôi tôm bị mất mùa. Để có nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp phải mua tôm nguyên liệu tại các tỉnh thành miền Nam, khi ra đến Đà Nẵng, tính thêm chi phí vận chuyển thì giá tôm nguyên liệu đã tăng thêm từ 3-5%, tôm nguyên liệu trong nước có giá cao hơn nhiều so với Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Doanh nghiệp cũng buộc phải chủ động điều chỉnh giá thành sản phẩm để cân bằng mọi chi phí và hạch toán có lãi để tránh rơi vào tình trạng thua lỗ. Năm 2023, đơn vị đã mở rộng 3 nhà máy chế biến thủy sản đặt tại Đà Nẵng và tỉnh Tiền Giang, 3 khu nuôi tôm tại tỉnh Thừa Thiên Huế (120ha) và 1 vùng nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre (200ha). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 124,1 triệu USD, sản lượng xuất khẩu 12.568 tấn; doanh thu đạt 2.953 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 6,2 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm ổn định cho 2.866 người với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố hỗ trợ tiếp tục giảm tiền sử dụng hạ tầng năm 2024 cho các doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất; bố trí quỹ đất tại quận Sơn Trà để kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản...

z5174456761544-e9edf71bdf7e5e860aa848dcf5f3cf77-9913.jpg
Một buổi làm việc tại Công ty Cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước mới đây

Để tăng trưởng xuất khẩu ổn định, các đơn vị không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ, chú trọng tính “xanh” và “khác biệt”. Theo bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may 29-3 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), sự bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của công ty suy giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may. Vì vậy, đơn vị tìm cách kiên trì với chiến lược liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm, mở rộng quy mô hoạt động, tiếp thị tiêu thụ sản phẩm trên thị trường quốc tế bằng cách đầu tư đổi mới thiết bị, từng bước hiện đại hóa sản xuất, đào tạo cán bộ quản lý để đáp ứng xu hướng sản xuất công nghiệp hiện đại… Đặc biệt, từ quý 1 - 2023 công ty đã chấm dứt sản xuất mặt hàng khăn bông gắn bó với hoạt động công ty trong 47 năm và có tỉ trọng doanh thu hơn 20%.

16-2-bi-thu-5-4490.jpg
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng động viên ra quân sản xuất đầu năm tại Công ty CP Dệt may 29-3

“Việc chấm dứt ngành dệt khăn bông là mất mát to lớn, song công ty quyết tâm đến cuối năm 2025 sẽ xanh hóa toàn công ty tại Đà Nẵng cũng như Duy Xuyên (Quảng Nam) trong xu thế phát triển bền vững. Hiện xí nghiệp May Duy Trung I đã được tổ chức Xanh Việt Nam cấp giấy chứng nhận là nhà máy xanh từ năm 2020. Riêng Đà Nẵng, công ty chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Năm 2024, dự kiến thị trường dệt may tiếp tục gặp khó do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới chưa hồi phục, trong khi đó xung đột chính trị phức tạp kéo dài. Bên cạnh việc củng cố thêm niềm tin với các khách hàng truyền thống, đơn vị đã phát triển thêm một số khách hàng, thị trường mới đảm bảo đơn hàng sản xuất đến tháng 6-2024”, bà Nguyệt nói.

Cũng theo ông Trần Văn Vũ, cần có những chính sách tốt hơn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử, tin học... Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo tính chủ động trong việc khai thác nguồn lực trong nước, giảm xuất khẩu sản phẩm thô và nhập khẩu nguyên liệu, là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng của các ngành hàng/mặt hàng xuất khẩu chế biến.

dn-240216-da-nang-ra-quan-san-xuat-dau-nam-ko-bar00-00-57-22still002-2541.jpg
Xuất nhập khẩu đường biển xuất phát từ cảng Đà Nẵng

Ngoài ra, việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu và giải quyết các vấn đề xã hội cũng như bảo vệ môi trường….

Tin cùng chuyên mục