Công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai chia thành nhiều nhóm ngành khác nhau, gồm: xơ sợi dệt, vải; dụng cụ phụ tùng, linh kiện điện tử; thiết bị cho các loại máy móc, nguyên liệu đầu vào cho ngành giày dép... Nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã có mặt tại Đồng Nai như Bosch, Hyosung, Fujitsu, Schaeffler, Vision Group, Kenda, Mabuchi Motor…
Đồng Nai đã nghiêm túc thực hiện định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên qua thống kê trong những năm gần đây, nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh có khoảng gần 50% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu của tỉnh trong việc ưu tiên thu hút vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ là nhằm cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhiều DN khác trên địa bàn và nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm xuất khẩu. Như vậy, DN sẽ dễ dàng hơn trong việc hưởng các ưu đãi về thuế quan từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực.
Nhiều năm qua, trong các cuộc xúc tiến đầu tư sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, CHLB Đức, Đài Loan…, Đồng Nai đều ưu tiên mời gọi các DN FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, DN FDI đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhiều DN trong và ngoài tỉnh. Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần Giày dép cao su màu Đồng Nai, đánh giá: “Trước đây, nguyên liệu sản xuất giày dép phải nhập khẩu 80%-95%, nhưng 2-3 năm nay, nguồn cung nguyên liệu trong nước đã nâng lên, đáp ứng 40%-60%. Thậm chí có những đơn hàng, nguyên liệu trong nước chiếm 70%-80% và nguồn cung ngày càng dồi dào”.
Theo ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, nhờ thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc đã nhiều năm nên dòng vốn FDI vào tỉnh đúng theo yêu cầu, biến Đồng Nai thành nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào lớn cho cả nước và xuất khẩu. Điều này tạo sức hút lớn cho nhà đầu tư FDI, vì DN đầu tư vào tỉnh dễ tìm được nguồn nguyên liệu ngay trong tỉnh.