Tạo “lá chắn” quản lý phim trên không gian mạng

Sau gần một thập niên phát triển mạnh mẽ, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã và đang đặt ra cho công tác quản lý nhà nước nhiều khó khăn, thách thức khi xuất hiện ngày một nhiều nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ, sai lệch về lịch sử, vi phạm bản quyền…

Khó chồng khó

Trước sự phát triển mạnh mẽ cùng những tác động nhiều chiều của không gian mạng, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã có những điều luật, quy định để hạn chế, ngăn chặn các tác động tiêu cực đến người dùng và xã hội. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy đã có những cài cắm tinh vi về vi phạm chủ quyền, những nội dung liên quan đến tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật. Ví dụ như bộ phim Nhất sinh nhất thế (Một đời một kiếp) phát trên nền tảng IQiYi Việt Nam, Hướng gió mà đi phát trên Netflix và fptplay.vn… có lồng ghép đường lưỡi bò (đường chín đoạn) trong một số chi tiết, phân cảnh phim. Trước đó, một số bộ phim như Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta, Bà ngoại trưởng (chiếu trên Netflix)… đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các vi phạm hoặc cấm chiếu.

S6a.jpg
Một số phim có cài cắm nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đã bị ngành chức năng Việt Nam phát hiện và xử lý

Bà Ngô Minh Nguyệt, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn học Nghệ thuật, lo lắng chia sẻ: “Xâm lấn bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng. Xem quá nhiều những bộ phim như vậy, khán giả sẽ vô tình bị định hướng, dẫn dắt theo tư tưởng sai lạc. Thêm vào đó, môi trường mạng tiện lợi, dễ sử dụng nên mọi lứa tuổi, không phân biệt quốc tịch, nhận thức đều có thể bị tiếp cận, bị thao túng bởi những sản phẩm độc hại”…

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt thừa nhận, quản lý nhà nước đang gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức khi đối mặt với phim ảnh trên không gian mạng do kinh nghiệm còn hạn chế, thiết bị hỗ trợ chưa hiệu quả, công tác phối hợp liên ngành còn nhiều bất cập. Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, việc quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng hiện không chỉ là kiểm soát nội dung, mà còn là quản lý thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, những chi phí người xem phải chi trả. Nhức nhối hơn cả là sự xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm về văn hóa, sai lệch lịch sử, vi phạm bản quyền…

Nhân lực làm công tác thẩm định và phân loại phim do đó cần phải có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm không chỉ về văn hóa, nghệ thuật, chính trị, xã hội… mà còn phải có trình độ về công nghệ và không gian mạng. Nhưng, số lượng chuyên gia trong lĩnh vực này vốn không nhiều, nên cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh thường đối mặt với áp lực lớn về khối lượng công việc.

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn

Các chuyên gia điện ảnh cho rằng, việc nhận thức sớm, nhận thức đúng cũng như dự báo nguy cơ, hiểm họa từ một số bộ phim sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn kịp thời các tác hại xấu, độc, không để phát tán rộng rãi. Tuy nhiên, với số lượng phim khổng lồ cùng sự tinh vi trong việc cài cắm thông tin xấu, độc khiến cho việc nhận biết, loại trừ sớm không hề đơn giản. Nhiều doanh nghiệp chiếu phim trực tuyến tại Việt Nam cũng coi đây là một thách thức lớn, đặc biệt khi kho phim của các dịch vụ luôn được cập nhật liên tục, có thể nói là diễn ra hàng ngày. Đại diện FPT Play cho biết, họ đã phải thành lập riêng một tổ gồm 5-7 người chuyên rà soát các vi phạm. Bên cạnh biện pháp xử lý thủ công, nền tảng này cũng đang triển khai công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để làm việc thay con người. “Về cơ bản, hiện ứng dụng AI đã có thể nhận diện những hình ảnh về đường chín đoạn nếu xuất hiện trực tiếp. Chúng tôi hiện đang tiếp tục huấn luyện để ứng dụng AI nhận diện những hình ảnh ở xa, cách điệu, hình vẽ mô phỏng...”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Theo bà Phan Thu Hồng, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT), tính chất nhanh chóng, bất tận, đa chiều, khó lường của không gian mạng hiện nay đòi hỏi công tác quản lý, giám sát phải thường xuyên được cải thiện, đổi mới để phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; sử dụng kỹ thuật công nghệ, xử lý dữ liệu lớn (big data), nâng cao năng lực rà quét, giám sát liên tục 24/7, phát hiện sai phạm, cảnh báo và xử lý kịp thời…

Cùng chung nhận định, bà Ngô Minh Nguyệt cho rằng, quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động phổ biến phim giống như những “lá chắn” ban đầu và vững chắc để bảo vệ kỷ cương, văn hóa, sự ổn định xã hội cũng như trợ giúp công dân của mình trên môi trường mạng. Song, muốn đạt được hiệu quả cao, mỗi người dùng mạng xã hội rất cần tự tạo sức “đề kháng” cũng như bày tỏ thái độ trước các nội dung xấu độc, nội dung rác, kém chất lượng... để tránh sự lây lan, gây những tác động tiêu cực tới đời sống xã hội nói chung.

Tin cùng chuyên mục