Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề nông nghiệp Janusz Wojciechowski, đến nay mới chỉ có 8,5% diện tích đất nông nghiệp của EU được canh tác hữu cơ.
Kế hoạch của EC vạch ra 23 hoạt động được cơ cấu theo 3 hướng gồm thúc đẩy tiêu dùng, tăng sản lượng và cải thiện hơn nữa tính bền vững của ngành nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo sự tăng trưởng cân bằng. Do sự khác biệt giữa các nước EU về canh tác hữu cơ, mỗi quốc gia thành viên được khuyến khích xây dựng kế hoạch hành động riêng mình để đáp ứng nhu cầu cụ thể của mỗi nước, hướng tới mục tiêu chung của EU.
Áo hiện là nước duy nhất vượt mục tiêu này với việc dành 26% diện tích đất nông nghiệp cho nông nghiệp hữu cơ. Các quốc gia đi sau bao gồm Bulgaria, Romania, Ireland, Hà Lan, Ba Lan và Malta với 3% hoặc dưới mức 3% diện tích đất nông nghiệp dành cho lĩnh vực trên.
Để hỗ trợ mục tiêu tăng tốc ngành nông nghiệp hữu cơ, EC sẽ tăng cường hỗ trợ về tài chính và chính sách. Trong năm nay, EU sẽ chi 49 triệu EUR (57,94 triệu USD) để quảng bá các sản phẩm hữu cơ và 27% tổng ngân sách để thúc đẩy nhu cầu nông sản trong và ngoài khối. Trong giai đoạn 2023-2027, chương trình trợ cấp nông nghiệp của EU sẽ dành 38-58 tỷ EUR để phát triển nền nông nghiệp sinh thái và canh tác hữu cơ.
Kế hoạch của EU đã nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), gọi đây là “kỷ nguyên mới của chuyển đổi hệ thống thực phẩm”. Trong 10 năm qua, diện tích đất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở châu Âu (hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón tổng hợp và sinh vật biến đổi gien) đã mở rộng hơn 60% và chiếm gần 9% diện tích đất nông nghiệp trên toàn khối.
Nông nghiệp tạo ra khoảng 10% lượng khí thải nhà kính của EU và cũng là lĩnh vực hứng chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu khi những đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán kéo dài làm giảm năng suất một số loại cây trồng.