Từ tháng 7-2020, vào những ngày thứ bảy hàng tuần, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố phục vụ người dân và du khách.
Đây là hoạt động tổ chức biểu diễn định kỳ nhằm kiến tạo một không gian văn hóa nghệ thuật (VHNT), biểu diễn, giao lưu tại khu vực trung tâm, xây dựng phố đi bộ trở thành điểm đến giải trí hấp dẫn cho công chúng.
PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, xung quanh quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện dự án nghệ thuật này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Phóng viên: TPHCM chuẩn bị như thế nào cho việc tổ chức thực hiện các chương trình nghệ thuật đường phố tại phố đi bộ Nguyễn Huệ?
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy: Trong những ngày cuối tháng 10-2019, khi TPHCM khánh thành đài phun nước nghệ thuật trên phố đi bộ tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, Sở VH-TT TPHCM đã tổ chức thí điểm 3 điểm diễn nghệ thuật thu hút rất đông khán giả là người dân TP và du khách quốc tế. Đến cuối năm 2019, Sở VH-TT TP tham mưu với UBND TP về việc tổ chức loại hình VHNT mang tính giải trí cao, hoạt động thường xuyên trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối thứ bảy hàng tuần. Nhưng đến đầu năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra, kế hoạch chưa thể triển khai được. Nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống người dân bước đầu trở lại bình thường, Sở VH-TT trình lại dự án với UBND TPHCM và được phê duyệt thực hiện. Theo dự kiến, chương trình nghệ thuật đường phố đầu tiên sẽ ra mắt vào tối thứ bảy ngày 4-7, từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 30.
Việc tổ chức chương trình nghệ thuật biểu diễn đường phố chưa từng có tiền lệ, TPHCM sẽ chọn loại hình nghệ thuật nào để tổ chức biểu diễn phục vụ công chúng?
Loại hình tổ chức được định dạng là nghệ thuật đường phố với sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật: xiếc, rối, âm nhạc đương đại, âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử, hiphop, aerobic, võ nhạc... Các buổi biểu diễn có sự tham gia của văn nghệ sĩ các đơn vị sự nghiệp VHNT trực thuộc Sở VH-TT và các CLB, nhóm hát, nhóm nhạc chuyên nghiệp, trình diễn các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các chương trình mang đậm phong cách đường phố, tăng sự tương tác, mang tính gần gũi, giúp khán giả tiếp cận trực quan với nghệ sĩ. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia vào hoạt động vì cộng đồng này.
Trình diễn nghệ thuật tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG Chương trình diễn ra tại 2 điểm: khu vực tòa nhà SunWah sẽ trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, mang yếu tố hàn lâm; khu vực góc đường Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế chuyên biểu diễn các loại hình nghệ thuật hiện đại, sôi động. Việc tổ chức 2 điểm diễn cách xa nhau tạo điều kiện tốt về mặt âm thanh, để các chương trình biểu diễn không bị ảnh hưởng lẫn nhau, giúp khán giả dễ dàng lựa chọn và thưởng thức loại hình nghệ thuật mình yêu thích, phù hợp lứa tuổi.
TPHCM mong đợi điều gì qua việc tổ chức hoạt động biểu diễn này? Thành phố luôn mong muốn tạo được nhiều điều kiện thụ hưởng văn hóa thường xuyên cho người dân TP và tạo không gian văn hóa nghệ thuật đa dạng, gần gũi tại khu vực trung tâm nên việc thực hiện chương trình nghệ thuật đường phố định kỳ là nhằm đem lại những sản phẩm nghệ thuật đạt chất lượng, góp phần kích cầu du lịch, tạo điểm đến cho du khách trên địa bàn thành phố. Mục tiêu tối thượng là giúp người dân có thêm điều kiện thưởng thức nghệ thuật và biết đây là điểm sáng văn hóa của thành phố, để có thể đến đây hàng tuần, hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng.Bên cạnh việc tổ chức định kỳ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngành văn hóa TPHCM sẽ tổ chức những hoạt động gì để đưa nghệ thuật đến với nhân dân theo hướng “mở” và miễn phí? °Các đoàn nghệ thuật trực thuộc sở vẫn thường xuyên đầu tư, sáng tác, đem những chương trình nghệ thuật phục vụ, quảng bá cho người dân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, các trường đại học, nhân dân vùng ven, vùng sâu vùng xa, góp phần rút ngắn khoảng cách hưởng thụ VHNT giữa công chúng nội - ngoại thành. Trong nhiều suất diễn, các đơn vị công lập vẫn có sự hợp tác cùng các nghệ sĩ bên ngoài để tạo sự đa dạng, hấp dẫn. Ngoài ra, thời gian gần đây chúng tôi cũng đã từng bước xây dựng kế hoạch đưa các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, thông qua nghệ thuật truyền thống giới thiệu đến du khách những điểm đến mang bản sắc văn hóa vùng miền ở TPHCM. Sở VH-TT cũng đã phối hợp với Sở Du lịch soạn thảo kế hoạch và đi khảo sát các điểm biểu diễn. Tuy nhiên, chuẩn của một sân khấu phục vụ du lịch đòi hỏi nhiều yếu tố liên quan: chương trình biểu diễn, điểm giữ xe, an ninh, an toàn, các dịch vụ đi kèm… Phải đáp ứng được chuẩn điểm diễn phục vụ du lịch thì các đoàn, du khách mới thấy tour hấp dẫn, tìm đến, chọn dịch vụ. Sắp tới, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM sẽ thực hiện mô hình nghệ thuật phục vụ du lịch tại khu vực phía trước Đền thờ vua Hùng trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn để phục vụ người dân và du khách. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tiếp tục duy trì một số suất diễn miễn phí phục vụ khán giả công nhân, sinh viên tại nhà hát và phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam vừa hoàn tất chương trình nghệ thuật đặc biệt Mekong show...
THÚY BÌNH thực hiện