Tạo không gian riêng cho trẻ

Hiện nay, khi đời sống kinh tế trở nên khá hơn, việc nên hay không có phòng riêng cho con trẻ tự do sinh hoạt là chuyện mà các bậc cha mẹ đang quan tâm.

Phức tạp chung - riêng

Khi bé Bi mới lên 1 tuổi, anh Thành (quận 6, TPHCM) đã bàn chuyện cho bé ngủ riêng, nhưng vợ anh không đồng ý. Chị cho rằng con còn quá nhỏ, xa mẹ vào ban đêm sẽ sợ hãi, tội nghiệp lắm. Cảm thấy như mình có vẻ ích kỷ, “giành” mẹ của con, anh Thành không bàn đến chuyện này nữa. Cảm giác ngại ngùng khi đang âu yếm vợ mà có sự hiện diện của “nhân vật thứ ba” dần cũng qua đi. Mấy năm trời, vợ chồng con cái vẫn ngủ chung giường. Nhưng một đêm kia, khi hai vợ chồng đang trong giây phút mặn nồng, anh Thành chợt bắt gặp đôi mắt thảng thốt, đầy vẻ sợ hãi của bé Bi. Đến lúc này, vợ anh mới ân hận vì đã không nghe lời chồng.

CN4a.jpg
Không gian riêng giúp trẻ tự lập và xây dựng trách nhiệm hơn với cuộc sống. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cũng có những cặp vợ chồng nghĩ đến chuyện này rất sớm nhưng vẫn không thực hiện được vì sự nuông chiều con cái. Anh chị Hải (Bình Dương) đã tạo cho bé Minh một căn phòng riêng từ sớm, trang hoàng rất đẹp và sắm nhiều đồ chơi để bé được tự do trong khoảng trời riêng của mình. Thế nhưng, đến tối thì bé lại nằng nặc đòi ngủ với cha mẹ. Thương con, chị lại chiều và chuyện ngủ riêng của bé vẫn cứ dằng dai, còn anh Hải thì vẫn ức chế mỗi khi muốn bên vợ vào ban đêm.

Nhiều trường hợp cha mẹ thành công trong việc tạo không gian riêng cho con nhưng không phải là không nảy sinh những vấn đề phức tạp. Nhờ làm ăn thuận lợi, anh chị Hoàng (Tiền Giang) đã xây được ngôi nhà khang trang, hai đứa con đều có phòng riêng để học hành, sinh hoạt. Lúc hai con còn nhỏ, anh chị quy định đến giờ cơm thì phải ăn chung, sau đó trò chuyện với nhau một chút rồi mới ai về phòng nấy ngủ. Nhưng rồi, công việc cuốn đi, anh không còn về nhà đúng giờ, hai đứa con cũng đã lớn, việc họp mặt quây quần dần không còn. Cứ ăn cơm xong là chúng vội vàng lên phòng riêng, lấy cớ học hành. Nhiều khi anh muốn hỏi chuyện hai con thì chúng cũng trả lời qua loa, chiếu lệ. Dần dần, ngôi nhà có 4 người mà lúc nào cũng hiu quạnh…

Nhưng như thế cũng là may, vì hai con của anh chị Hoàng chỉ quen với không gian riêng, sống một cách khép kín, không còn thể hiện tình cảm với cha mẹ, với anh chị em, nhưng chúng chưa đến nỗi như con của anh chị Lâm (quận Bình Thạnh, TPHCM). Cũng tạo phòng riêng cho con từ nhỏ, anh chị sắm cho cậu quý tử không thiếu thứ gì trong không gian riêng của nó. Nghĩ là mình đã tạo đầy đủ điều kiện cho con học hành, vui chơi, anh chị yên tâm lắm và lúc nào cũng nhắc nhau tôn trọng “khoảng trời riêng” của con. Ăn cơm xong, cậu bé vội vàng chạy lên phòng riêng để… học bài. Thế nhưng, mới đây, đi họp phụ huynh, chị giật mình khi nghe cô giáo chủ nhiệm lớp 7 của con thông báo lúc này con học hành sút kém và hay ngủ trong lớp. Thì ra, muốn để con không thua sút bạn bè, anh chị đã sắm máy tính cho nó và quy định hẳn hoi về việc sử dụng hỗ trợ việc học, giải trí. Nhưng do thiếu kiểm tra, anh chị không biết rằng, cậu bé đã lạm dụng các trò chơi, bỏ bê việc học và sức khỏe ngày càng giảm sút.

Chọn thời điểm phù hợp

Theo các nhà tâm lý, việc cho trẻ ở phòng riêng là rất cần thiết đối với cả cha mẹ lẫn đứa trẻ. Điều này giúp làm tăng tính tự lập, tự tin cho bé, giúp cha mẹ có “khoảng trời riêng”. Nếu trẻ đã lớn mà vẫn ở chung phòng với cha mẹ thì sẽ khó tránh khỏi những vấn đề phức tạp nảy sinh.

Với môi trường tâm lý - xã hội ở Việt Nam, việc cho trẻ ra ngủ riêng quá sớm có thể gây cho trẻ nỗi sợ hãi, bất an. Mặc dù vậy, khi trẻ được 4-6 tuổi, có thể sớm hơn tùy tính cách mỗi trẻ, cha mẹ cần quan tâm đến chuyện cho trẻ ngủ riêng. Việc này không nên áp đặt một cách đột ngột và càng không nên ép buộc trẻ. Nếu không khéo, trẻ sẽ cảm thấy mình bị cha mẹ hắt hủi, bỏ rơi. Để trẻ thích thú với việc ở riêng, cần chuẩn bị một phòng xinh xắn ở ngay cạnh phòng cha mẹ, cho bé cùng tham gia trang trí căn phòng, tạo tâm lý đây là giang sơn riêng của nó.

Những ngày đầu trẻ sẽ thao thức vì sợ, vì cảm giác cô đơn nhưng rồi sẽ quen. Nếu mẹ mềm lòng và ngủ lại với con, hay cho con sang phòng mình thì sau đó rất khó dứt khoát. Cũng có người theo giải pháp trung dung là cho trẻ ngủ cùng phòng với cha mẹ nhưng ở một cái giường khác. Việc này cũng không khác mấy so với chung giường. Lúc đó, trẻ vẫn ở cùng một không gian với cha mẹ, vẫn có thể mè nheo, vòi vĩnh nên không có sự độc lập.

Bên cạnh đó, khi đã tạo cho con phòng riêng thì cha mẹ phải làm thế nào để phát huy tính tích cực của trẻ, tránh cho chúng sống biệt lập để rồi tình cảm gia đình ngày càng phai nhạt. Trao cho con một không gian riêng, nhưng đồng thời tạo cho trẻ một tinh thần trách nhiệm về những việc của mình, chuẩn bị cho trẻ về mặt tâm lý về việc trẻ có thể phải đối diện với những khó khăn của chính mình sau này.

Hãy tạo ra nhiều giờ phút cả nhà cùng quây quần xem phim, ăn cơm tối, chơi trò chơi và vui cười. Khi quy định việc sinh hoạt chung thì cha mẹ phải là những người nghiêm túc thực hiện và xem đó là những giờ khắc quan trọng. Nếu người lớn lơ là việc này thì trẻ cũng sẽ không hứng thú và tìm cách về chốn riêng của mình. Mặt khác, cần cho trẻ biết rằng tuy có phòng riêng, nhưng không vì thế mà cứ về đến nhà là con lên phòng, không gặp gỡ giao lưu với mọi người. Cha mẹ có trách nhiệm cần phải biết con ăn, ngủ ra sao, quan hệ bạn bè thế nào, nhưng cũng không nên can thiệp thô bạo và xỉ vả trẻ khi phát hiện những chuyện tình cảm riêng tư của chúng.

Tin cùng chuyên mục