Kể từ tháng 11 năm ngoái, PLDT đã chặn hơn 1,3 tỷ thuê bao nỗ lực truy cập các website có nội dung lạm dụng tình dục. Giám đốc an ninh thông tin của PLDT Angel Redoble cho biết: “Chúng tôi phải đối phó hàng ngày”. Trang Christian Science Monitor dẫn báo cáo năm 2020 của International Justice Mission (IJM) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ hoạt động trong lĩnh vực chống lại nạn buôn bán và bóc lột tình dục, cho biết, ở Philippines có khoảng 2 triệu trẻ em là nạn nhân của lạm dụng và bóc lột tình dục trực tuyến.
Ảnh minh họa: Trẻ em gặp nhiều cạm bẫy trên không gian mạng |
Theo Bộ Tư pháp Philippines, đại dịch Covid-19 đẩy nhiều người Philippines vào cảnh nghèo đói, nước này đã chứng kiến sự gia tăng 260% về bóc lột tình dục trực tuyến từ năm 2019 đến năm 2022. Hiện bộ này đã yêu cầu các công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ internet báo cáo, cung cấp các tài liệu này cho các cơ quan chức năng. Theo IJM, hoạt động khai thác tình dục trẻ em trực tuyến là một loại hình “tội phạm phát triển nhanh, không biên giới”. Bên cạnh đó, một số yếu tố ở quốc gia này như cước truy cập internet rất rẻ, hệ thống chuyển tiền nhanh, trình độ tiếng Anh phổ biến... khiến cho việc đăng và chia sẻ các hình ảnh/video dễ dàng hơn, qua đó cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động ngăn chặn dữ liệu được truy cập và phát tán.
Trước đây, do Luật Bảo mật dữ liệu, PLDT chỉ có thể chặn các tên miền nghi ngờ. Từ năm 2018, công ty đã triển khai phong tỏa các nguồn dữ liệu liên quan đến nội dung này. Công ty đã thành lập nhóm an ninh mạng có nhiệm vụ xử lý các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em mà không vi phạm luật bảo mật dữ liệu. Bên cạnh đó, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Quỹ Giám sát Internet - Internet Watch Foundation (IWF) có trụ sở tại Anh. Theo đó, IWF theo dõi và đính kèm vân tay kỹ thuật số có các nội dung được xác nhận có liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, từ đó các nhà cung cấp dịch vụ internet sẽ triển khai ngăn chặn.
Tính đến tháng 5-2023, PLDT đã nhận được hơn 400.000 trường hợp như vậy từ IWF. Chuyên gia A.Redoble cho rằng, mục tiêu tiếp theo phải là tạo ra một không gian mạng sạch hơn. Ông đang đề xuất một “chuỗi niềm tin toàn cầu” giữa các công ty viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ internet trên toàn cầu để xóa sổ một lần và vĩnh viễn các trang web có hại truyền bá lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.
Tại tỉnh Cebu, một dự án đảm bảo an toàn cho trẻ em khỏi các hành vi lạm dụng trực tuyến mang tên Dự án SCROL sẽ được triển khai trong thời gian 3 năm trên cơ sở hợp tác giữa nhóm Terre des Hommes của Hà Lan và Bidlisiw Foundation, một nhóm chống buôn người ở địa phương. Ra mắt vào năm nay, dự án nhằm mục đích thu hút các nhà cung cấp dịch vụ internet, công ty viễn thông, đại lý chuyển tiền và công ty công nghệ xây dựng một hệ thống pháp luật, cung cấp các báo cáo về những nạn nhân bị bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến. Dự án này cũng hoạt động ở Campuchia, Nepal và Kenya.