Tạo “hệ miễn dịch số” cho trẻ em

Đại dịch Covid-19 diễn ra khiến cho con người nhận ra sự phụ thuộc vào internet ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là hệ quả tất yếu của việc internet đã và đang có quá nhiều hữu ích cho đời sống, nhưng cùng với đó là những mặt trái của nó, tác động rất tiêu cực đến trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong môi trường mạng.
Một buổi giới thiệu về cách tham gia internet an toàn dành cho trẻ em do Google tổ chức tại TPHCM
Một buổi giới thiệu về cách tham gia internet an toàn dành cho trẻ em do Google tổ chức tại TPHCM

Đối mặt nhiều nguy cơ xấu, độc hại

Có rất nhiều nguy cơ khác nhau với trẻ em khi tham gia internet, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến 4 nguy cơ chính: thông tin xấu, độc (trẻ em có thể bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm); xâm phạm đời tư (thông tin, hình ảnh đăng tải hay chia sẻ có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu như tung tin, lừa đảo, bêu riếu hay đe dọa các em); bắt nạt trực tuyến (các em có thể bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý); xâm hại tình dục (một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen và gạ gẫm trẻ em tham gia vào các hành vi như gửi tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm và chúng có thể dùng thông tin này để ép buộc, đe dọa).

Bên cạnh các nguy cơ trên, trẻ em cũng gặp phải nhiều nguy cơ khác mà bất kỳ ai tham gia internet cũng phải đối mặt như nguy cơ bị tấn công mạng, bị cài mã độc theo dõi, lấy trộm thông tin cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư, thậm chí bị lợi dụng để tham gia vào các hoạt động phi pháp.

Theo một báo cáo được Liên hiệp quốc công bố gần đây cho thấy, có đến 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng; gần 75% không biết về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác nếu đối mặt với bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng. Đây là những con số rất đáng báo động và đòi hỏi phải có những hành động ngay lập tức của toàn xã hội, đặc biệt là những cơ quan quản lý, ngành giáo dục, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và an ninh mạng nói riêng.

Trách nhiệm trong cuộc sống số

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đã có nhiều giải pháp chặn lọc tự động các nội dung không phù hợp với trẻ em ra đời và bước đầu phát huy hiệu quả, đó là các phần mềm bảo mật có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nếu sử dụng các phần mềm này, có thể kiểm soát từ 90% trở lên các nội dung không phù hợp với trẻ em và tỷ lệ này đang tiếp tục được tăng lên cùng với sự nỗ lực của các nhóm nghiên cứu trên thế giới.

Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán bảo vệ trẻ em trên internet lại cần có sự phối hợp, tham gia của nhiều đơn vị liên quan. Đầu tiên là cơ quan quản lý nhà nước trong việc sớm hoàn thiện, bổ sung các quy định bảo vệ trẻ em trên internet. Tiếp theo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nội dung số cần triển khai các biện pháp để ngăn chặn từ gốc nội dung độc hại, trong đó đặc biệt ứng dụng AI để loại bỏ các nội dung xấu độc với trẻ em. Không chỉ vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể xây dựng các trung tâm kiểm soát, ngăn chặn thông tin độc hại qua hệ thống phân giải tên miền (DNS). Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị máy tính, điện thoại thông minh có thể tích hợp sẵn ứng dụng có khả năng bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ trên internet…

Bảo vệ trẻ em trên internet cần nhấn mạnh vai trò của phụ huynh, xem đây là trách nhiệm bắt buộc trong cuộc sống số, giúp con em mình không gặp phải rắc rối khi tham gia môi trường mạng. Việc bảo vệ không phải cấm đoán, mà phụ huynh cần phải đồng hành với con, cùng con xây dựng những nguyên tắc, ví dụ không sử dụng điện thoại, máy tính trong khu vực khó quan sát như phòng ngủ, kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích học tập, giải trí hợp lý. Và quan trọng hơn hết, ngành giáo dục cần nghiên cứu và đưa môn Giáo dục công dân số vào trường học, bởi không ai có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn chính bản thân các con. Tương tự môn Giáo dục công dân, môn Giáo dục công dân số trang bị cho các em kiến thức bổ ích khi tham gia mạng xã hội, để phân biệt tốt xấu, các quy tắc ứng xử, cẩm nang an toàn khi tham gia internet, giúp tạo “hệ miễn dịch số”.

Khó khăn lớn trong các nỗ lực thanh lọc môi trường internet, kiểm soát nội dung không phù hợp với trẻ em là nội dung cần xử lý quá lớn. Mỗi phút có hơn 500 giờ video nội dung mới được tải lên YouTube, tính trung bình mỗi clip 5 phút thì tương đương khoảng 6.000 clip được tải lên 1 phút. Các trào lưu trên TikTok có thể sinh ra hàng tỷ clip được đăng tải trong thời gian ngắn và các nội dung được đăng tải trên facebook, instagram… cũng vô cùng lớn, không thể kiểm soát, thanh lọc thủ công.

Tin cùng chuyên mục