Tạo giá trị mới cho trụ sở dôi dư

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, các địa phương trên cả nước đang gấp rút sắp xếp đơn vị cấp cơ sở và sáp nhập tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Trong quá trình thực hiện, một vấn đề được quan tâm là số lượng lớn trụ sở làm việc dôi dư sau sáp nhập.

Khi các đơn vị hành chính cũ không còn hoạt động, trước mắt hàng trăm công trình, trụ sở có trị giá xây dựng lớn, thậm chí khá mới, sẽ bị bỏ trống, xuống cấp. Nếu có phương án sử dụng hợp lý, các trụ sở dôi dư có thể trở thành nguồn lực phục vụ cộng đồng và đóng góp cho phát triển địa phương. Ngược lại, nếu không kịp thời có phương án sử dụng phù hợp sẽ gây ra nhiều rủi ro. Tình trạng bỏ hoang kéo dài dễ dẫn đến hư hỏng, thậm chí trở thành điểm mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.

Việc chậm trễ trong chuyển đổi công năng còn khiến tài sản công bị lãng phí, làm mất đi cơ hội tận dụng quỹ đất và hạ tầng sẵn có để mở rộng dịch vụ công, thu hút đầu tư, phát triển giáo dục, y tế hoặc thúc đẩy kinh tế địa phương. Do đó, các địa phương nên sớm có phương án sử dụng, tránh tình trạng “tài sản chết” ngay trong cộng đồng.

Để xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư, trước hết đánh giá toàn diện tình trạng của từng trụ sở. Việc đánh giá nên xem xét các khía cạnh như tình trạng pháp lý, hiện trạng kỹ thuật, giá trị tài sản, vị trí địa lý, cũng như nhu cầu sử dụng thực tế tại địa phương.

Ngoài ra, yếu tố xã hội liên quan đến giá trị văn hóa, tính gắn bó với cộng đồng của các trụ sở, cần được cân nhắc kỹ trước khi chuyển đổi. Đánh giá kỹ lưỡng là cơ sở để lựa chọn phương án phù hợp, tránh lãng phí, đồng thời tạo ra giá trị mới từ tài sản công.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, việc lựa chọn phương án có thể căn cứ vào tình trạng công trình, vị trí, nhu cầu thực tế và khả năng khai thác để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời phải tính toán đến điều kiện cụ thể của từng địa phương, cần phân biệt rõ giữa khu vực nông thôn và thành thị để đảm bảo hiệu quả khai thác.

Ở khu vực nông thôn, nơi hạ tầng xã hội còn thiếu và nhu cầu dân sinh cao, các trụ sở dôi dư có thể được chuyển đổi thành nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, lớp mẫu giáo, trạm y tế hoặc trung tâm học tập. Với những công trình còn sử dụng tốt, có thể tận dụng làm nơi làm việc cho các tổ chức chính trị - xã hội, hợp tác xã hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính.

Trường hợp trụ sở ở vị trí xa, ít người qua lại hoặc xuống cấp, có thể xem xét đấu giá chuyển nhượng cho tư nhân hoặc hợp tác với doanh nghiệp để khai thác nông nghiệp, đào tạo nghề, hoặc phục vụ du lịch cộng đồng.

Ở khu vực thành thị, nơi đất đai khan hiếm, nhu cầu sử dụng cao, các trụ sở dôi dư thường có giá trị kinh tế lớn, nên tính toán kỹ trong khai thác. Những trụ sở nằm ở vị trí thuận lợi có thể chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ công, không gian làm việc chung, trung tâm khởi nghiệp, trường học, cơ sở y tế chất lượng cao hoặc hợp tác công - tư để phát triển các dịch vụ đô thị. Nếu không còn nhu cầu sử dụng, có thể tổ chức đấu giá công khai, thu ngân sách để đầu tư lại cho hạ tầng hành chính hoặc công trình phúc lợi khác.

Ngoài ra, một số mô hình sáng tạo như trung tâm số cấp cơ sở, thư viện cộng đồng, điểm hỗ trợ công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng có thể được triển khai hiệu quả tại khu vực đô thị.

Nếu được xử lý bài bản, các trụ sở này sẽ tránh được lãng phí, có thể trở thành những hạt nhân mới cho phát triển dịch vụ công, dịch vụ cộng đồng và thậm chí cả hoạt động kinh tế góp phần vào mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả, vì dân và vì sự phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục