Tạo dựng nền tảng cho vùng lúa chất lượng cao

Hậu Giang là tỉnh đầu tiên được Bộ NN-PTNT chọn tổ chức lễ phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án). Hậu Giang đang tập trung nguồn lực để thực hiện Đề án hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Gieo sạ lúa bằng thiết bị bay trong mô hình canh tác lúa thông minh tại Hậu Giang
Gieo sạ lúa bằng thiết bị bay trong mô hình canh tác lúa thông minh tại Hậu Giang

Doanh nghiệp bắt tay nông dân

Hậu Giang đã có những bước căn cơ để thực hiện Đề án. Cụ thể, mới đây, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) lúa gạo Xà No Mekong của Hậu Giang đã ký hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo theo Đề án với 6 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp vừa thu mua lúa gạo, vừa cung cấp các vật tư đầu vào cho sản xuất lúa (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…), các giải pháp công nghệ, kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải, sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo ông Nguyễn Văn Thích, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong, đây là bước tiến quan trọng để tạo lập chuỗi sản xuất lúa gạo. Hiện Liên hiệp HTX lúa gạo Xà No Mekong có hơn 30 HTX sản xuất lúa gạo tham gia. Ngoài tạo nguồn cung ứng lúa gạo chất lượng cao ổn định, sự tương tác hỗ trợ của các doanh nghiệp về vật tư, lúa giống, thu mua lúa sẽ là động lực để thực hiện Đề án.

Ông Nguyễn Văn Thích từng “cầm lái” tại HTX Tân Long (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), người tạo lập thương hiệu gạo sạch Vị Thủy nổi tiếng. Đây là một trong nhiều HTX của Hậu Giang sản xuất gạo sạch trên nền tảng áp dụng các biện pháp sản xuất thông minh, thân thiện môi trường, sản phẩm gạo đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Nông dân trong HTX đã và đang hoàn thiện các kỹ năng ghi nhật ký sản xuất lúa bằng app trên điện thoại để kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi cần truy xuất nguồn gốc….

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 triển khai diện tích thực hiện Đề án là 28.000ha, tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án VnSAT; đến năm 2030 sẽ đạt diện tích 46.000ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia Đề án, rà soát đáp ứng tiêu chí và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên được Bộ NN-PTNT chọn tổ chức lễ phát động Đề án. Đề án không chỉ mang lợi ích trực tiếp cho người nông dân trồng lúa, mà còn đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm phát thải và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lúa gạo theo hướng bền vững. Trong năm 2024, tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180ha, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, “1 phải 5 giảm”, sản xuất lúa bền vững... Các mô hình thí điểm tại một số HTX trên địa bàn bước đầu có nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe người dân, người tiêu dùng và thân thiện môi trường.

Mới đây, bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã đến thăm và làm việc với một số HTX ở ĐBSCL, chia sẻ: “Nhờ những hỗ trợ công nghệ từ WB, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Chính phủ Việt Nam đã giúp nhiều nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm sử dụng thuốc, phân bón hóa học, tiết kiệm nước, nhân công. Qua đó tăng giá bán lúa gạo, tăng thu nhập. Việt Nam triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là cơ hội tốt cho nông dân Việt Nam nói chung và nông dân ĐBSCL nói riêng ”.

Nỗ lực vượt qua rào cản

Tại Hậu Giang, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai trên địa bàn 6 huyện, thịxã, thành phố với 32 xã tham gia. Dự án đã mang lại lợi ích cho hơn 86.500 nông dân. Kết quả khảo sát, đã có hơn 13.500ha diện tích áp dụng quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm”; 18.600ha áp dụng “3 giảm 3 tăng” và 8.800ha diện tích lúa có hợp đồng bao tiêu. Dự án đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 25%. Qua đó, đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân, giúp nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, nâng cao chất lượng nông sản và liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến liên kết, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, HTX.

Trên cơ sở dự án VnSAT, Đề án đã được Hậu Giang triển khai khá thành công. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), kết quả 7 mô hình thí điểm thực hiện Đề án trong năm 2024 đã mang lại hiệu quả cao, tăng lợi nhuận cho nông dân và giảm phát thải trong sản xuất lúa. Đây được xem là hướng đi đáng mừng khi nông dân vào cuộc tích cực cùng sự chung tay của doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Tuy nhiên, ông Trương Cảnh Tuyên nhìn nhận, thực tế sản xuất lúa còn không ít khó khăn, ĐBSCL nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ các tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Những yếu tố này gây ra sự suy giảm diện tích và năng suất canh tác, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Đất trồng lúa ở Hậu Giang đa số là vùng phèn, trũng. Do đó, nông dân gặp khó trong việc áp dụng triệt để quy trình tưới ướt khô xen kẽ. Việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống, đặc biệt là việc hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao từ phía nông dân. Đây là những “rào cản” mà tỉnh sẽ nỗ lực vượt qua để thực hiện tốt Đề án.

Thực tế, tỉnh Hậu Giang đã nỗ lực rất lớn để thực hiện Đề án. Ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan về thiết bị cơ giới hóa, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cùng đồng hành thực hiện mô hình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” với diện tích khoảng 10ha. Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, một trong những điểm nổi bật của mô hình là nông dân áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV, thu hoạch và thu gom rơm rạ ra khỏi đồng ruộng. Mô hình này là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật về quy trình canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang. Các mô hình tại Hậu Giang đã thực hành giúp nông dân thay đổi đáng kể, từ tư duy đến tập quán canh tác. Tỷ lệ nông dân ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, ướt khô xen kẽ, quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM, canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP ngày càng tăng. Nhiều nông dân, HTX đã ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Có thể nói, những nền tảng và hiệu quả từ mô hình dự án VnSAT giúp nông dân Hậu Giang tự tin tham gia thực hiện tốt Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện “Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp như: đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Ngành nông nghiệp Hậu Giang sẽ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng vùng lúa chất lượng cao trên cơ sở liên kết 4 nhà với các giải pháp về giống, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp ở những dòng gạo chất lượng cao gắn với thị trường cao cấp. Đẩy mạnh tập huấn, đào tạo cho hộ nông dân, HTX các vấn đề liên quan đến kỹ thuật sản xuất canh tác bền vững: sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào, quản lý nước theo quy trình ướt khô xen kẽ, quản lý rơm rạ sau thu hoạch, giảm phát thải…

Tin cùng chuyên mục