Tạo đủ điều kiện đi bộ đúng luật

Từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự 2015 đã có hiệu lực. Theo đó, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng cả với trường hợp người đi bộ sai luật. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến về giải quyết thực trạng nhiều người đi bộ gây mất an toàn giao thông. 
Hạn chế tai nạn do lỗi của người đi bộ
Lâu nay chúng ta vẫn thường thấy người đi bộ băng qua đường rất tùy tiện. Thay vì đến giao lộ và băng qua khi xe cộ dừng đèn đỏ, họ lại leo bừa qua dải phân cách để băng qua đường.
Việc coi thường luật lệ giao thông như vậy rất nguy hiểm, có thể gây tai nạn cho mình và nhiều người khác. Theo thông lệ trước đây, khi xảy ra tai nạn giao thông, dù do người đi bộ sai luật, nhưng họ thường không bị xử lý pháp luật.
Nay, áp dụng quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015, khi tham gia giao thông, người đi bộ sai luật có thể bị phạt tiền, hoặc phạt tù 7 - 15 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng. 
Quy định phạt người đi bộ sai luật nhận được sự đồng tình của dư luận, bởi có mạnh tay như vậy thì mới buộc người đi bộ nâng cao ý thức trong việc tuân thủ, chấp hành luật lệ giao thông, đồng thời cũng hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc do lỗi người đi bộ gây nên.
Tạo đủ điều kiện đi bộ đúng luật ảnh 1 Trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TPHCM), nhiều người tùy tiện leo qua dải phân cách .Ảnh: NGUYỄN THANH VŨ
Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn rằng việc phạt người đi bộ sai luật khó được thực thi nghiêm túc trong bối cảnh hạ tầng giao thông ở nước ta chưa đồng bộ.
Nhiều tuyến đường xe cộ đông đúc nhưng không có cầu vượt cho người đi bộ qua đường. Nhiều nơi vỉa hè bị lấn chiếm hết, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Nhiều tuyến đường không có vạch kẻ cho người đi bộ qua đường, hoặc có vạch kẻ nhưng ô tô, xe máy cứ phóng ào ào, không chịu nhường đường cho người đi bộ.
Những năm gần đây, ở TPHCM có những cây cầu mới xây dựng với bề ngang hẹp, không làm lề cho người đi bộ. Những trường hợp như vậy đang gây khó cho người đi bộ. Do vậy, cần tạo đủ điều kiện để người đi bộ có thể chấp hành đúng luật giao thông.
ĐẶNG ĐỨC (phanhdangducgl@gmail.com)
Xây dựng văn hóa giao thông
Hiện nay, rất dễ bắt gặp hình ảnh người đi bộ thản nhiên băng qua đường không đúng nơi có vạch sơn dành cho bộ hành và nơi có hiệu lệnh đèn giao thông.
Cứ thấy đường phố thưa xe là người đi bộ vội băng qua đường, mà cảnh sát giao thông thường không quan tâm đến đối tượng vi phạm này. Nguy hiểm hơn, nhiều người vì muốn qua đường nhanh đã bất chấp nhiều xe tải đang lao nhanh vun vút, cố leo lên dải phân cách qua bên kia đường. 
Trong khi đó, du khách nước ngoài đến Việt Nam rất nghiêm túc khi đi bộ qua đường. Họ không nôn nóng, từ tốn nhìn đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ chuyển trạng thái màu xanh mới bước lên vạch sơn.
Dù có lúc đèn tín hiệu giao thông bị trục trặc (giữ nguyên màu đỏ hơn 10 phút), nhưng du khách nước ngoài vẫn chờ, không băng qua đường tùy tiện vì sợ bị phạt, sợ dòng xe chạy loạn xạ có thể gây tai nạn, và nhất là vì họ có văn hóa giao thông. Những hình ảnh này thực sự làm cho chúng ta cảm thấy xấu hổ. 
Do vậy, việc Bộ luật Hình sự 2015 quy định chế tài đối với người tham gia giao thông đi bộ sai luật là điều rất cần thiết. Mong rằng người đi bộ nên chấp hành đúng luật, đừng vì thói quen xấu lâu nay mà xem đường phố như không gian sân vườn nhà mình.
Cảnh sát giao thông cần xử lý nghiêm những người đi bộ vi phạm luật giao thông, chiếu theo luật mà làm, để bộ mặt giao thông nước nhà được cải thiện. Có thể việc xử lý sẽ phát sinh nhiều bất cập, do nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng khiến người đi bộ bị đẩy ra lòng đường, nên việc xác định lỗi của người đi bộ trong các trường hợp giao thông hỗn hợp là khá phức tạp.
Vì vậy, cần giám sát, kiểm tra, giải tỏa việc vỉa hè bị chiếm dụng, đồng thời quan tâm xây dựng văn hóa giao thông.
NGUYỄN THANH VŨ (quận Tân Phú, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục