Sau hơn 8 năm Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ngày 12-12-2013), công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì và tham gia cùng các cơ quan, tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm… Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 10 hội nghị để phản biện một số dự án luật quan trọng như dự thảo: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi)… Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước khi xem xét ban hành chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.
Thực tế cho thấy, địa phương nào cấp ủy quan tâm đến công tác giám sát, phản biện xã hội thì nơi đó tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp giảm, an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và ngược lại. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và sự mong đợi của cử tri và nhân dân. Nhiều vấn đề nóng mà nhân dân quan tâm, bức xúc nhưng chưa được giám sát, phản biện kịp thời như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, kit test Covid-19... Yêu cầu về vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng cao nhưng chúng ta còn thiếu cơ chế thu hút sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học hoặc các tổ chức có chuyên môn sâu trong việc giám sát, phản biện xã hội đối những lĩnh vực khó, phức tạp. Bên cạnh đó, trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, phản hồi sau phản biện xã hội ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao… Thực tế đó đòi hỏi cần có những giải pháp tổng thể, có tính đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đang chủ trì xây dựng để trình Ban Bí thư chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, một nội dung quan trọng là hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội, tiến tới nghiên cứu xây dựng luật về giám sát, phản biện xã hội nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền giám sát, phản biện xã hội. Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm nghiên cứu, ban hành quy định trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát; có chế tài với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị đúng đắn của Mặt trận Tổ quốc; có chính sách khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức tham gia vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội; có cơ chế để người dân có thể tham gia hoặc trực tiếp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
Nếu những giải pháp nêu trên sớm đi vào cuộc sống thì hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc ngày càng hiệu quả hơn, giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình nhân dân, thực hiện các mục tiêu phát triển.