Tạo đột phá để phát triển khoa học cơ bản

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia. Để có những đột phát về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trước tiên cần phát triển khoa học cơ bản (KHCB) nhằm tạo nền tảng vững chắc.

Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, cho tăng cường tiềm lực quốc gia. Các kết quả của KHCB là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Đó chính là nòng cốt của sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nhiệm vụ tiên quyết, tạo nền tảng, thời cơ tốt nhất để xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đối với mỗi quốc gia, khoa học - công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Chính vì vậy, các quốc gia luôn tìm cách nghiên cứu, sáng tạo và nắm giữ chìa khóa, công cụ là những thành tựu khoa học - công nghệ mới, tiên tiến nhằm khẳng định sức mạnh cũng như vị thế quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một trong những lý do quan trọng giải thích Việt Nam đến nay chưa làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ nền là do chúng ta chưa thực sự phát triển KHCB. KHCB đóng vai trò nền tảng trong phát triển các công nghệ mới. Nghiên cứu cơ bản là điểm khởi đầu trong chuỗi nghiên cứu khoa học, từ khám phá đến ứng dụng và sản xuất.

Dù vậy, các ngành KHCB trong những năm gần đây đang dần mất đi sức hút, khi số lượng sinh viên đăng ký theo học và điểm chuẩn đầu vào ngày càng giảm. Trong khi Việt Nam luôn nằm trong tốp 10 thế giới về thành tích Olympic quốc tế giai đoạn 2015-2024 ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học…, số sinh viên nhập học khối ngành KHCB những năm gần đây lại chỉ khoảng 1,5% trong tổng số sinh viên, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương là 7%.

Nếu xét về số lượng và chất lượng tuyển sinh các ngành này, đây là một nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, chất lượng cho đất nước. Trong thời đại công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) là rất lớn, nhưng tỷ lệ sinh viên theo học ngành nghề STEM của Việt Nam thấp so với các nước.

Thế nhưng, quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM đang thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu. Tỷ lệ này của Việt Nam dao động 27%-30%, trong khi đó của Singapore là 46%, Malaysia 50%, Hàn Quốc 35%, Phần Lan 36%, Đức 39%...

Nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của KHCB. Chính sách hỗ trợ và đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, chưa đủ mạnh để tạo được động lực thu hút sinh viên tài năng; triển vọng nghề nghiệp đối với các ngành KHCB chưa thực sự hấp dẫn, thường có thu nhập không cao, lại đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, cống hiến lớn... Những yếu tố này khiến sinh viên lựa chọn theo đuổi con đường KHCB ngày càng ít, tạo thách thức không nhỏ cho sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam.

Do đó, để KHCB đóng góp lớn cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta nên triển khai nhiều giải pháp đột phá, đồng bộ, thống nhất.

Trước hết, đẩy mạnh truyền thông sâu rộng trong xã hội về vai trò của KHCB là nền tảng, là xuất phát điểm để tạo ra các phát minh, sáng chế về công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng để phát triển đất nước. Thực hiện chương trình Nghị quyết 03 của Chính phủ, tất cả các bộ ngành nhanh chóng triển khai đầu tư xứng đáng, dài hơi cho nghiên cứu KHCB, đảm bảo những nhà KHCB thỏa mãn đam mê khám phá tri thức và không lo “cơm áo gạo tiền”.

Tăng cường sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học để có chính sách đầu tư lớn, đào tạo các ngành KHCB, giúp sinh viên các ngành này hưởng chính sách ưu tiên như ngành sư phạm. Các trường đại học liên hệ với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu để đảm bảo có việc làm cho sinh viên các ngành này sau khi tốt nghiệp ra trường…

Tin cùng chuyên mục