Ông Hoàng Ninh cho biết, Bộ Công thương đã và đang triển khai hàng loạt chính sách nhằm đẩy mạnh áp dụng AI vào công nghiệp và thương mại. Cụ thể, ngày 13-11-2024, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký Quyết định số 116 ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 03 của Chính phủ về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, bộ cũng đang trình Chính phủ một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, trong đó có AI.

Về thực tiễn triển khai, Bộ Công thương đã phối hợp với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như SIEMENS, Samsung, Toyota tổ chức hội nghị tập huấn, khóa đào tạo giúp doanh nghiệp trong ngành tiếp cận AI. Bộ cũng khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất, tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, chính phủ nước ngoài.
Theo ông Hoàng Ninh, việc ứng dụng AI đã mang lại nhiều kết quả khả quan trong một số ngành sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ, trong ngành dệt may, Vinatex sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, dự báo nhu cầu thị trường, giúp giảm 30% thời gian sản xuất và giảm lãng phí đáng kể.
Trong ngành da giày, AI được áp dụng để thiết kế mẫu mã, phân tích xu hướng thị trường và tự động hóa dây chuyền sản xuất. Trong công nghiệp chế tạo, Tổng công ty Máy động lực và máy công nghiệp (Bộ Công thương) đã ứng dụng AI để nâng cao giám sát, bảo trì thiết bị, trong khi các công ty như: Rạng Đông, Hòa Phát cũng đang tích cực áp dụng AI vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Hoàng Ninh nhấn mạnh, để AI thực sự tạo ra bước đột phá trong sản xuất, doanh nghiệp cần chú trọng 5 yếu tố quyết định: thể chế, chiến lược và chính sách; hạ tầng dữ liệu, thiết bị và bảo mật; ý chí và quyết tâm từ lãnh đạo doanh nghiệp; nguồn lực tài chính đủ mạnh để đầu tư vào AI; đội ngũ nhân sự có năng lực làm chủ công nghệ.
Ông cũng chỉ ra rằng, để thúc đẩy ứng dụng AI, Bộ Công thương sẽ triển khai thêm các giải pháp đồng bộ trong thời gian tới. Trước hết, sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng AI trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến, chế tạo.
Đồng thời, bộ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đề xuất chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ; đẩy mạnh xây dựng dữ liệu lớn để phục vụ phát triển AI trong sản xuất và kinh doanh.
Bộ Công thương cũng kiến nghị các địa phương cần chủ động xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông minh để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu, trường đại học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

* Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông: Chi phí sử dụng nền tảng công nghệ hiện nay quá cao, đặc biệt là từ các nhà cung cấp nước ngoài. Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ phát triển các nền tảng AI nội địa với chi phí hợp lý; đồng thời, cần sớm thiết lập các chuẩn giao thức chung để thiết bị AI của các doanh nghiệp trong nước có thể hoạt động đồng bộ, tránh bị phụ thuộc vào hệ sinh thái riêng lẻ.
* Ông Hồ Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và triển khai AI - FPT Smart Cloud: FPT Smart Cloud đang hợp tác với NVIDIA – công ty dẫn đầu về AI – để xây dựng các tiêu chuẩn Blueprint, nhằm phát triển những giải pháp AI chuyên biệt theo từng lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, sản xuất. Hướng đi này không chỉ tối ưu chi phí đầu tư mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng AI một cách hiệu quả, mở ra cơ hội chuyển đổi số toàn diện.
* Ông Trần Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa: Để AI phát triển mạnh hơn trong công nghiệp, cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng và ban hành các tiêu chuẩn AI trong sản xuất. Việc thiết lập các quy chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng áp dụng công nghệ mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.