Tạo động lực từ những công trình hạ tầng

Với việc xác định hạ tầng đô thị đóng vai trò là “đòn bẩy” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, TPHCM đã tập trung mọi nguồn lực, cũng như kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ xã hội để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Từ đây, nhiều công trình hạ tầng ra đời, góp phần giải quyết “điểm nóng” kẹt xe, ngập nước cho thành phố.
Giao thông liên hoàn tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG
Giao thông liên hoàn tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG

Thông thoáng cho cửa ngõ

Việc hoàn thành và đưa công trình sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh vào sử dụng đúng dịp lễ 30-4 và 1-5 không những tạo điều kiện cho người dân đi lại thông thoáng mà còn giải quyết dứt điểm tình trạng ngập triền miên tại đây. Ông Nguyễn Thái Thủy, ngụ gần tòa nhà The Manor đường Nguyễn Hữu Cảnh phấn khởi cho biết, gia đình ông sinh sống ở đây đã hơn 40 năm, giờ mới thấy tuyến đường thông thoáng, khang trang đến vậy. Không chỉ gia đình ông Thủy mà nhiều người dân ở khu vực, ai cũng vui mừng sau hàng chục năm sống chung với ngập nước, kẹt xe.

Giao thông liên hoàn tại xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG
Nói về điểm nóng về ngập nước, kẹt xe này, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc cho biết, rất vui khi dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh được hoàn thành. Việc này không chỉ giúp giao thông, môi trường khu vực thông thoáng, sạch đẹp, mà còn góp phần xóa điểm đen về giao thông và ngập nước của thành phố, tạo sự thông thoáng cho giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố. Đây là công trình trọng điểm của thành phố, được khởi công tháng 10-2019, thực hiện thi công 24/24 giờ với mục tiêu hoàn thành sớm ngày nào tốt ngày đó nhằm phục vụ người dân. Theo ông Phúc, dự án có tổng đầu tư 473 tỷ đồng (chi phí xây lắp 370 tỷ đồng) với các hạng mục sửa chữa, khắc phục hư hỏng toàn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh nhằm đảm bảo giao thông, thoát nước và mỹ quan đô thị; xây dựng, cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh; tổ chức giao thông đồng bộ và một số công trình hạ tầng kỹ thuật khác.


Khép kín Vành đai 2

Năm qua, nhìn lại bức tranh giao thông tại TPHCM đã có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều dự án, công trình giao thông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điều kiện cho người dân tham gia lưu thông thuận tiện hơn. Đặc biệt, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, kết nối giữa TPHCM với các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Đơn cử, Đại lộ Phạm Văn Đồng mở ra hướng kết nối tới các khu công nghiệp, sân bay và cảng biển quan trọng trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những trục đường có ý nghĩa hết sức quan trọng của thành phố, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Tuyến đường được hình thành góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội nhiều khu vực. Qua đó, kéo giảm tình trạng quá tải trên các tuyến đường trung tâm thành phố, tạo điều kiện cho các phương tiện từ vùng ven và các tỉnh, thành Đông Nam bộ đi sân bay Tân Sơn Nhất thuận tiện hơn.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông quan trọng như: nút giao thông 3 tầng Mỹ Thủy (TP Thủ Đức), nút giao thông 3 tầng An Sương (quận 12), dự án mở rộng đường Tô Ký, đường Trần Văn Giàu, thông xe cầu An Phú Đông bắc qua sông Vàm Thuật kết nối quận 12 và quận Gò Vấp, cầu Phước Lộc, dự án nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát huyện Nhà Bè… Bến xe miền Đông mới sau nhiều lần trễ hẹn, tháng 10-2020 đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Đáng chú ý, tuyến metro đầu tiên của TPHCM - metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sắp hoàn thành đưa vào sử dụng giúp chia sẻ áp lực giao thông trên địa bàn TP Thủ Đức. Dự kiến tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào cuối năm 2021. Với công trình đặc biệt này, người dân rất mong đợi và kỳ vọng.

Theo ông Lương Minh Phúc, từ nay đến năm 2025, sẽ nỗ lực hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt dự án, công trình. Trong đó, chú trọng đến các công trình giao thông ở TP Thủ Đức và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như: xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Cộng Hòa. Ở các cửa ngõ phía Đông, phía Tây của thành phố cũng sẽ phấn đấu để khép kín Vành đai 2, hoàn thành Vành đai 3, Vành đai 4, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, quốc lộ 13, quốc lộ 50, quốc lộ 22. Đặc biệt, với cao tốc TPHCM - Mộc Bài, các đơn vị sẽ nỗ lực khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.

5 năm qua, thành phố đã chuyển mình mạnh mẽ, góp phần thay đổi tích cực bức tranh giao thông, tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển và bứt phá các giai đoạn tiếp theo.

Năm 2021, TPHCM dự kiến khởi công 17 gói thầu, hoàn thành đưa vào sử dụng 45 dự án. Theo Sở GTVT TPHCM, gần 10 năm qua, thành phố đã làm mới và đưa vào sử dụng 384km đường bộ (đạt 141%). Xây dựng mới 72/76 cây cầu (đạt 94,7%), ước năm 2020 xây dựng mới 79 cây cầu (đạt 103,9%); tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị ước cuối năm 2020 đạt 12,2%; mật độ đường giao thông trên diện tích đất toàn thành phố ước cuối năm 2020 đạt 2,2km/km².

Tin cùng chuyên mục