Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, giai đoạn 2011-2017, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 vùng KTTĐ bình quân mỗi năm tăng 7,14%. Tăng trưởng của các vùng KTTĐ chủ yếu là nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo. Năng suất lao động của các vùng KTTĐ có xu hướng tăng. Vùng KTTĐ Bắc bộ và vùng KTTĐ phía Nam dẫn đầu cả nước về năng suất lao động, đây là một trong những yếu tố cốt lõi đóng vai trò quyết định tới mức độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của 2 vùng KTTĐ này. Trong đó, Hà Nội và TPHCM là 2 cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân/năm trong giai đoạn 2011-2017 tương ứng đạt 13,6% và 19,4%. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần giải quyết như tác động lan tỏa và tính liên kết của các vùng KTTĐ tới các địa phương lân cận và trong cả nước chưa cao; các địa phương thuộc vùng KTTĐ chưa phát huy hết lợi thế và tiềm năng của vùng…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá báo cáo đã bước đầu đưa ra được bức tranh tổng thể với số liệu tương đối cập nhật, nhất là về kết quả, hạn chế, yếu kém về liên kết vùng và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì tiếp thu các ý kiến để khẩn trương hoàn thiện báo cáo; cùng với kết quả các hội nghị của Chính phủ với các vùng KTTĐ, xây dựng và hoàn thiện đề án về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của vùng KTTĐ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng lưu ý báo cáo phải rõ các nhiệm vụ, giải pháp mới mang tính đột phá, tạo động lực phát triển của 4 vùng, hiện chiếm tới 70% GDP cả nước.
Về tình hình phát triển của 4 vùng, Thủ tướng cho rằng có nhiều cố gắng trong chỉ đạo điều hành, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước, dẫn đầu là vùng KTTĐ phía Nam, trong đó bao gồm TPHCM. Nhưng các vùng còn gặp khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu. “Ngày 25-7, một trận mưa lớn ở Hà Nội mà đã tắc hết đường. Với TPHCM thì ảnh hưởng càng rõ nét hơn”, Thủ tướng dẫn chứng. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng, liên kết vùng, cơ chế điều phối vùng, chính sách phát triển vùng chưa tốt, chưa rõ, là “điểm nghẽn” trong phát huy vai trò của các vùng KTTĐ, đòi hỏi phải có định hướng khắc phục tốt hơn trong thời gian tới. Các vùng KTTĐ thành công thì cả nước mới thành công.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thu hút đầu tư tốt hơn. Tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn. Một số công trình, dự án hạ tầng bức xúc cần tiếp tục được tháo gỡ kịp thời, trong đó có lĩnh vực điện, không được để thiếu điện trong thời gian tới, nhất là khu vực phía Nam. Thủ tướng, Chính phủ đã họp bàn và đưa ra các giải pháp, cơ chế đặc biệt để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng khác, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bởi “đại lộ, đại phú”. Các địa phương cần có các dự án trọng điểm, tạo bước phát triển đột phá; quán triệt tinh thần phát triển đô thị là động lực của tăng trưởng. Song song đó, bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, các vùng KTTĐ phải đi đầu trong việc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.