Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã chủ trì, triển khai mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh rất mới trong khuôn khổ Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV). Nếu trước đây chỉ có một số ít sự kiện khởi nghiệp quy mô trường đại học và hướng đến các đối tượng sinh viên, thì nay các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đã bắt đầu thực sự kinh doanh.
Chính phủ đang chú trọng thực hiện giải pháp phát triển thị trường KH-CN thông qua hoạt động hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao. Các cá nhân, nhóm, DN có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những người có ý tưởng mới dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, tài sản trí tuệ hoặc mô hình kinh doanh sáng tạo và chấp nhận rủi ro để đưa những sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, mang lại giá trị gia tăng lớn cho cộng đồng, xã hội.
Đã xuất hiện các điển hình khởi nghiệp thành công như trò chơi trực tuyến Flappy Bird, VNG (tiền thân của VinaGame), The Kafe...
Chứng kiến tiềm năng của các DN khởi nghiệp Việt Nam, đã có một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh, quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài bắt đầu thành lập văn phòng và triển khai các hoạt động đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đề án với nhiều mục tiêu cụ thể hướng đến việc tạo môi trường chính sách thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Việc Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 là điểm nhấn về chính sách hướng đến hỗ trợ cho 3 đối tượng: DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Điều đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật này lần đầu tiên định nghĩa về khái niệm “Startup”, cụ thể: “Khởi nghiệp sáng tạo (startup) là quá trình khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh”.
Các DN này sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, hỗ trợ mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đến thăm Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ Trường ĐH Bách khoa TPHCM - một trong những đơn vị góp phần vào Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô, hỗ trợ có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.
Như vậy, đến nay Nhà nước đã ban hành khung pháp lý đồng bộ về hỗ trợ pháp lý cho DN nói chung và cho các DN khởi nghiệp nói riêng, có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của DN trong xu thế phát triển chung của đất nước.
Phát biểu tại Techfest 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, với vai trò kiến tạo, Chính phủ, các bộ ngành không chỉ tạo ra những khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tài chính thuận lợi, mà đã có những đề án hỗ trợ cộng đồng startup cụ thể nhất.
Sau Đề án 844 hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Đề án 667 phát triển hệ tri thức Việt số hóa nhằm xây dựng nguồn tài nguyên dữ liệu mở của Chính phủ, các bộ ngành, DN. Có thể nói, 2017 là năm bản lề cho việc thay đổi các chính sách hỗ trợ DNNVV, cộng đồng startup và các DN siêu nhỏ.
Hoàn thiện hơn hành lang pháp lý
Hoàn thiện hơn hành lang pháp lý
Dù có nhiều lợi thế về nguồn lực cũng như thị trường, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam thuộc diện chậm phát triển nhất trong khu vực. Một trong những lý do là nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp của cơ quan chức năng vẫn chậm chân so với các nước.
Cơ quan quản lý nhà nước vẫn có xu hướng “kiểm soát” thay vì “hỗ trợ” để môi trường khởi nghiệp ngày một tốt lên. Về hành lang pháp lý, đã hình thành rất căn bản; song các bất cập chủ yếu nằm trong công tác quản lý và thực thi chính sách của các bộ, ban ngành. Cụ thể, các giấy phép con của các ngành kinh doanh có điều kiện và các định nghĩa vẫn chưa rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn.
Đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, điều quan trọng nhất không phải là ưu đãi bao nhiêu, mà cần có một hệ thống pháp lý minh định, rõ ràng, rành rọt, không thể hiểu nhầm hoặc có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau.
Vì thế, trong thời gian tới, để có thể xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tốt, theo tôi cần lưu ý các định hướng sau: Tinh thần khởi nghiệp cung cấp nguồn lực sáng tạo cho phát triển kinh tế và thay đổi các điều kiện kinh tế của thị trường bằng cách tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới, các DN mới và các giải pháp sáng tạo cho các nhu cầu của địa phương và toàn cầu.
Việc cần phải làm ngay là chúng ta phải tạo dựng nền văn hóa khởi nghiệp, văn hóa chấp nhận “thất bại” cho người dân, đặc biệt cho giới trẻ. Cần đưa nội dung về tinh thần khởi nghiệp vào giảng dạy trong trường học.
Thời gian qua, nhiều lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đã được bỏ, nhưng nhiều lĩnh vực mới lại được đưa vào. Điều đáng lưu ý là nhiều điều kiện kinh doanh không được đánh giá lại, vẫn gây ra nhiều chi phí không cần thiết. Nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành dưới hình thức thông tư của các bộ có nhiều yêu cầu, điều kiện về sản xuất kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết, gây chi phí không đáng có cho DN.
Hiện tại, vẫn thiếu cơ chế chỉ đạo thông suốt, thiếu điều phối trong thực thi pháp luật kinh doanh; việc thực hiện các khâu kiểm tra, thanh tra còn tùy tiện. Nhiều bộ, ngành tham gia quản lý một lĩnh vực kinh doanh, thậm chí một sản phẩm chịu quản lý của nhiều cơ quan hoặc nhiều đơn vị trong một cơ quan nhưng thiếu điều phối, dẫn đến chồng chéo, vừa lãng phí nguồn lực, vừa đẩy chi phí về phía DN.
Để xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp tốt, phải xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ tốt cho DN. Để làm được điều đó, cần phải rà soát, xóa bỏ những bất hợp lý về thể chế, từ quy định pháp luật đến bộ máy thực thi.
Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến 2020, Chính phủ nhấn mạnh: Nhà nước sẽ có những chính sách đặc thù để hỗ trợ DNNVV, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển. DN startup là một trong 3 nhóm DNNVV đặc thù trong Luật Hỗ trợ DNNVV.
Với vai trò là các DN có thể tạo ra động lực cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế trong kỷ nguyên kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, startup xứng đáng là nhóm nhận được sự quan tâm và các biện pháp hỗ trợ phát triển từ phía Nhà nước cũng như xã hội.
Cũng vì vai trò rất có ý nghĩa này của startup, các biện pháp hỗ trợ nhóm này được kỳ vọng phải được thiết kế theo hướng khả thi nhất, đáp ứng tốt nhất và hiệu quả nhất các nhu cầu của startup, từ đó thúc đẩy việc hình thành và phát triển một thế hệ startup Việt Nam mới, góp phần quan trọng vào sự thay đổi diện mạo nền kinh tế.
Hỗ trợ phát triển thị trường
Hỗ trợ phát triển thị trường
Mục tiêu 1 triệu DN kinh doanh hiệu quả của Việt Nam đến năm 2020 sẽ đạt được khi Nhà nước thúc đẩy tạo lập phát triển thị trường xuất nhập khẩu ổn định và bền vững. Theo tôi, trong bối cảnh mới Nhà nước cần quan tâm thị trường Ấn Độ. Bởi, đây là thị trường có dân số đông thứ 2 thế giới (xấp xỉ 1.2 tỷ dân) sau Trung Quốc. Quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ đang ngày càng có những bước phát triển tốt hơn về chất và lượng, đặc biệt kể từ năm 2010, năm Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) bắt đầu có hiệu lực.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Ấn Độ là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 15 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. 2 bên đang nỗ lực mở rộng quy mô thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Nông sản Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ, vì đó là những sản phẩm có giá phù hợp.
Thông qua phân tích 2 thị trường Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Ấn Độ, cho thấy Nhà nước cần thiết phải tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường Việt Nam - Ấn Độ để tạo nên sự cân đối, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân chính tại sao chậm phát triển thị trường Việt Nam - Ấn Độ là do Nhà nước chưa tập trung; trong đó cụ thể chưa mở đường bay thẳng, chưa kết nối việc thanh toán thương mại thuận lợi Việt Nam - Ấn Độ. Để giảm bớt tình trạng Nhà nước phải giải cứu liên tục nông sản rất cần thiết lập các thị trường tiềm năng mới.