Thời gian qua, hoạt động của công đoàn cơ sở còn nhiều lúng túng, kém hiệu quả. Vị thế, tiếng nói, năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động còn rất yếu. Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) nhận xét: “Công đoàn cơ sở như một “cậu bé tí hon” nhưng đang phải khoác trên mình một chiếc áo quá lớn, lúng túng và bất lực”.
Thực tế, cán bộ công đoàn cơ sở được hưởng lương từ doanh nghiệp và luôn chịu sức ép từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động. Vậy họ có thật sự dám lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi bị xâm phạm hay không? Yêu cầu đặt ra là cần phải xem lại mối quan hệ trên. Để giải quyết căn cơ, phải cụ thể hóa bằng pháp luật để công đoàn cơ sở độc lập hơn với người sử dụng lao động. Trước hết là, độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở.
Về mối quan hệ giữa công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có quy định, cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách ở công đoàn cơ sở. ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị, tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy kinh phí từ công đoàn cấp trên để chi trả để cho cán bộ công đoàn. Đề nghị này không phải không khả thi trong bối cảnh chúng ta rất cần chính sách khuyến khích thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ công đoàn. Chỉ khi thực sự “ăn lương công đoàn”, họ sẽ mạnh dạn hơn, có tiếng nói hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của người lao động.