Hôm nay 28-6 là ngày thi đầu tiên, thí sinh làm bài thi môn Văn trong buổi sáng với thời gian 120 phút, thi tự luận; Toán thi buổi chiều, 90 phút, thi trắc nghiệm.
Hà Nội: Điều động 19.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ
Hà Nội là nơi có thí sinh dự thi đông nhất cả nước. Sở GD-ĐT Hà Nội điều động 19.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ coi thi; gần 600 thanh tra. Thời tiết mát mẻ, thí sinh đến trường thi với tâm trạng thoải mái.
Bài học từ việc 6 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội vừa qua cho thấy, dù đã nhiều lần được học quy chế, nhưng vẫn có thí sinh chủ quan hoặc cố tình phạm quy. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, mọi vi phạm trong kỳ thi đều sẽ bị xử lý theo đúng quy chế. Thí sinh mang theo điện thoại vào phòng thi, nếu bị phát hiện thì dù đã sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
Tương tự, tại TPHCM, ghi nhận chung của PV Báo SGGP trong ngày làm thủ tục tại TPHCM, nhiều thí sinh vẫn còn mang điện thoại di động, vật dụng không cần thiết đến điểm thi. Tại các điểm thi, cán bộ coi thi đã sinh hoạt kỹ quy chế, nhắc nhở thí sinh chỉ mang những vật dụng cần thiết, điện thoại di động phải tắt nguồn trước khi gửi tại phòng giữ đồ và không được mang vào khu vực phòng thi. Đặc biệt, đối với các trường hợp thí sinh làm mất hoặc quên mang giấy dự thi, các em sẽ liên hệ phòng trực tại điểm thi để được hướng dẫn làm giấy cam đoan và vẫn dự thi bình thường ở tất cả môn thi.
Chiều 27-6, thí sinh đến các điểm thi để nghe phổ biến quy chế thi và kiểm tra lại toàn bộ thông tin dự thi của thí sinh, đính chính các sai sót nếu có. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, thầy Đinh Hữu Lâm, Trưởng điểm thi Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), cho biết, dù đã tập huấn rất kỹ về công tác coi thi, nhưng có khó khăn khó lường, đó là các thiết bị công nghệ để gian lận thi ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện, có thể chỉ là một cái ốc vít nhỏ cài trên kính, hay tai nghe siêu nhỏ, camera siêu nhỏ cài trên khuy áo… “Ngoài các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã căn dặn giám thị quan sát biểu hiện của thí sinh để phòng tránh thêm”, thầy Đinh Hữu Lâm cho biết.
Cũng liên quan đến việc giám sát ngăn chặn gian lận, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại tá Nguyễn Hữu Thiên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, đơn vị đang rà soát các điểm kinh doanh thiết bị công nghệ, dịch vụ photocopy trên địa bàn nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, mua bán, sử dụng thiết bị công nghệ phục vụ gian lận thi cử, tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thí sinh huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) vào đất liền tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Tình nguyện viên luôn túc trực hỗ trợ thí sinh
Trong ngày làm thủ tục dự thi, ở một số khu vực như quận 1, Bình Tân, TP Thủ Đức (TPHCM) có mưa lớn. Lực lượng tình nguyện viên đã túc trực, kịp thời hỗ trợ thí sinh và phụ huynh. Sự hỗ trợ này sẽ được các tình nguyện viên thực hiện xuyên suốt kỳ thi ở TPHCM. Riêng tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), 42 học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Thạnh An đã di chuyển vào đất liền từ sáng 27-6 để chuẩn bị cho việc làm thủ tục dự thi vào buổi chiều. Các em được hỗ trợ lưu trú tại Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ) trong suốt 3 ngày diễn ra kỳ thi. Trước đó, Đồn Biên phòng Thạnh An đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tặng mỗi học sinh ở xã Thạnh An tham gia kỳ thi 500.000 đồng và dụng cụ học tập.
Tại các tỉnh thành khác, sự hỗ trợ nhiệt tình, ấm áp của nhiều lực lượng đối với các thí sinh cùng phụ huynh cũng được thực hiện rất kịp thời. Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Kiên Giang đã triển khai chương trình hỗ trợ 150 thí sinh thuộc huyện đảo Kiên Hải vào TP Rạch Giá tham dự kỳ thi. Đây là năm thứ 11 các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Kiên Giang triển khai chương trình hỗ trợ thí sinh huyện đảo Kiên Hải vào đất liền dự thi THPT. Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, cho biết, đã thành truyền thống tốt đẹp nhiều năm, năm nay các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thí sinh trong suốt kỳ thi, trong đó có hỗ trợ chỗ ở thí sinh ở xa, hỗ trợ suất ăn, chi phí đi lại cho thí sinh hoàn cảnh khó khăn…
Tại An Giang, tỉnh này đã tổ chức lễ ra quân tiếp sức mùa thi 2023 với 1.800 tình nguyện viên sẵn sàng phục vụ cho gần 20.000 thí sinh dự thi. Các tình nguyện viên được yêu cầu ưu tiên trợ giúp thí sinh tại các khu vực biên giới còn nhiều khó khăn.
Tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, mỗi địa phương bình quân có khoảng 15.000 thí sinh đăng ký dự thi. “Năm nào cũng vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh Kiên Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung tôi đều cảm nhận là kỳ thi của nghĩa tình. Nghĩa tình của anh, chị sinh viên đi trước đã vượt qua kỳ thi, nghĩa tình của bà con cô bác với các cháu thí sinh”, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo nói.
Miền Trung: Thí sinh đi làm thủ tục dưới nắng nóng “thiêu đốt”
Liên tiếp trong những ngày qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung có nắng nóng với nền nhiệt cao. Ngày 27-6, thí sinh các tỉnh miền Trung đội nắng nóng khủng khiếp đến điểm thi để làm thủ tục dự thi. Hầu hết học sinh phải mang áo khoác, che chắn để đến các điểm thi. Trước sự khắc nghiệt của thời tiết, tại các điểm thi ở Đà Nẵng, hơn 1.500 tình nguyện viên có mặt hỗ trợ xuyên suốt cho thí sinh và phụ huynh.
Vận chuyển đề thi ra các huyện đảo
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Thị Ngọc Châu, đề thi đã được vận chuyển ra huyện Côn Đảo bằng trực thăng, đoàn cùng đi có sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng công an. Tỉnh đã bố trí 24 điểm thi chính thức với 560 phòng thi để các em làm bài. Riêng huyện Côn Đảo có một điểm thi duy nhất tại Trường THPT Võ Thị Sáu với 93 thí sinh dự thi.
Riêng ở Bình Thuận, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, đã hoàn tất việc vận chuyển đề thi và đưa 32 cán bộ làm công tác coi thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 từ đất liền ra đến đảo Phú Quý an toàn bằng tàu cao tốc. Đây là năm thứ 3 ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận tổ chức điểm thi tốt nghiệp THPT tại huyện Phú Quý. Qua đó nhằm giảm bớt khó khăn, vất vả cho các thí sinh huyện đảo khi phải di chuyển một quãng đường khá xa trên tàu biển để vào đất liền dự thi như các năm trước. Đến nay, các điều kiện phục vụ cho kỳ thi tại huyện đảo đã được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng để kỳ thi diễn ra đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, 34/34 điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã hoàn thành việc nhận đề. Riêng điểm thi tại huyện đảo Lý Sơn, đề thi được chuyển ra đảo bằng tàu siêu tốc. Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, năm nay, huyện có 250 thí sinh đăng ký dự thi và sẽ thi tại Trường THCS An Hải thay vì điểm Trường THPT Lý Sơn. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại huyện đảo Lý Sơn phải chuyển đổi địa điểm thi sang trường THCS vì điểm trường THPT Lý Sơn đã hư hỏng nặng.
Gần 99% thí sinh đã làm thủ tục dự thi
Cuối ngày 27-6, Bộ GD-ĐT đã thông tin về ngày làm thủ tục dự thi của thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Theo đó, toàn quốc có 63 Hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063 thí sinh, tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi trong chiều 27-6 là 1.012.398 thí sinh, chiếm tỷ lệ 98,86%. Như vậy, có 11.665 thí sinh (tỷ lệ 1,14%) chưa làm thủ tục dự thi. Các em sẽ làm thủ tục dự thi vào sáng 28-6, trước buổi thi diễn ra.
Bộ GD-ĐT đánh giá, các Hội đồng thi đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ thí sinh làm thủ tục dự thi thuận lợi; phổ biến quy chế đầy đủ; giúp đỡ thí sinh sửa chữa các sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, tạo tâm lý tốt để thí sinh an tâm sẵn sàng tham gia kỳ thi. Ngày làm thủ tục dự thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.