Như Báo SGGP đã đưa tin, sáng 14-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức hội nghị “Giải pháp thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Vấn đề này đã từng được đặt ra tại kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Giải trình tại hội trường chiều ngày 2-11-2016 về các vấn đề tái cơ cấu kinh tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nhất trí cho rằng cần xóa bỏ hạn điền để tổ chức sản xuất lớn.
Thực tế bao năm cho thấy, nông dân trồng lúa khó làm giàu. Lấy thí dụ điển hình tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo số liệu điều tra của ngành nông nghiệp thì trong 1,6 triệu ha đất trồng lúa có tới 1,3 triệu ha là canh tác nhỏ lẻ, manh mún; bình quân diện tích đất trồng lúa của nông dân ĐBSCL hiện nay là 0,7 ha/hộ, làm 2 vụ lúa đông xuân và hè thu thu hoạch 10 - 11 tấn. Nếu tính một cách đơn giản, dễ hiểu: chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5 - 6 tấn lúa. Giá lúa tối đa khoảng 6.000 đồng/kg (hiện chỉ khoảng 4.500 - 5.100 đồng/kg), cũng chỉ ở ngưỡng 25 triệu đồng, chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 5 triệu đồng/người/năm. Tính ra thu nhập chỉ khoảng 400.000 đồng/người/tháng. Một khoản thu nhập chỉ bằng 1/3 mức lương cơ bản, chỉ bằng 1/10 thu nhập tháng của một công nhân, trong khi phải trang trải biết bao chi phí, thì người nông dân khó sống chứ đừng nói chi làm giàu.
Trong khi đó nếu chủ trương bỏ hạn điền, cho phép tích tụ đất đai đến ngưỡng cho phép, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp nước nhà, đồng thời mở ra cơ hội đổi đời cho người nông dân. Hộ nông dân có thể bán đất để đầu tư phát triển ngành nghề, có thể thành nông trường viên tại các nông trường sản xuất lớn, hay công nhân các cơ sở chế biến nông sản, thì thu nhập của gia đình họ sẽ ổn định và cao hơn nhiều.
Để chính sách vĩ mô về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được thực hiện có hiệu quả, việc cho phép tích tụ đất đai đến ngưỡng cho phép là rất cần thiết. Vấn đề là có quy định thật chặt chẽ và hợp lý để tránh được những tác động xã hội bất lợi.