* PHÓNG VIÊN: Thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, tác động mạnh đến mọi mặt đời sống, có lúc vỉa hè, lòng lề đường không còn bị lấn chiếm thì cần tận dụng cơ hội ra sao để có thể tái lập trật tự lòng lề đường một cách căn cơ?
* PGS-TS LÊ THANH SANG: Khó khăn về sinh kế là thực tế phải thừa nhận, vì nhiều người lao động phải sinh tồn trong khi số lượng việc làm tạo ra ở khu vực chính thức chưa đủ cho tất cả. Tại TPHCM, lao động ở khu vực phi chính thức chiếm đến 40-50% lực lượng lao động. Khi dịch Covid-19 tác động, một lượng lớn người lao động trong khu vực kinh tế đường phố đã trở về quê và có thể không ít người sẽ không trở lại thành phố. Điều đó làm giảm số người tham gia các hoạt động kinh tế vỉa hè.
Giai đoạn thích ứng an toàn với dịch Covid-19 có thể tiếp tục làm thay đổi lối sống của phần lớn dân cư, dẫn đến tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế vỉa hè. Đây cũng là dịp phù hợp để sắp xếp các hoạt động kinh tế đường phố, với yêu cầu đảm bảo thích ứng an toàn với Covid-19, đáp ứng sinh kế của người lao động, duy trì sự sống động của đường phố đô thị và đảm bảo sự quản lý về sự ngăn nắp, trật tự.
* Rất đông lao động tự do bị tác động mạnh bởi đại dịch, việc dẹp lấn chiếm vỉa hè sẽ tác động không nhỏ đến không ít người có hoàn cảnh khó khăn, buôn gánh bán bưng. Bài toán an sinh cần được giải quyết ra sao, thưa ông?
* TPHCM đã thực hiện 3 đợt hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ cho lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đây chỉ là giải pháp thứ yếu và tạm thời. Vấn đề là cần tạo điều kiện để duy trì sinh kế lâu dài cho người dân, nhất là những người không phù hợp với làm việc ở khu vực chính thức.
Vì thế, việc tạo điều kiện phù hợp cho sinh kế đường phố của người lao động, với thời gian, địa điểm hoạt động và quy định vận hành an toàn là rất cần thiết. Cụ thể, chính quyền TPHCM cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn với Covid-19 tại khu vực kinh tế vỉa hè. Cùng với đó là quy hoạch không gian đường phố đô thị, thay vì ngăn cản các hoạt động kinh tế đường phố.