Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đã tới dự.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, dù đã qua hơn 10 năm, nhưng một số chỉ tiêu của Nghị quyết 11 về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn chưa đạt được. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ đạt dưới 20,8% trong khi chỉ tiêu là 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV chỉ đạt 30,26% trong khi chỉ tiêu 35%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đạt dưới 30% trong khi chỉ tiêu 40%.
Bên cạnh đó, nhận thức về phụ nữ và công tác phụ nữ ở nhiều nơi còn chưa sâu sắc, toàn diện; cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, nhất là về việc làm, nghề nghiệp, tiền lương, vị trí trong xã hội, gia đình còn bị định kiến giới và phân biệt đối xử. Hơn nữa, quá trình phát triển đang nảy sinh nhiều vấn đề mà người chịu hậu quả nhiều hơn vẫn là phụ nữ, trẻ em, như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống...
Đồng chí Trương Thị Mai đã nhắc lại các nhóm nhiệm vụ cần phải làm để những chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ đi vào cuộc sống. Trước hết là các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, nhất là đối với nhóm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, các cấp, ngành cần quan tâm tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, nhất là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Đặc biệt, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cũng như vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và công tác cán bộ nữ.