Tạo điều kiện để người lao động tiếp cận nhà ở xã hội

Chiều 6-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa Đại biểu Quốc hội và công nhân lao động.

Hội nghị có 21 ý kiến đề cập tâm tư của người lao động và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)
Hội nghị có 21 ý kiến đề cập tâm tư của người lao động và lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thái Hiến, đơn vị Công ty TNHH Interflour chia sẻ, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân. Trong đó, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội cho thuê với giá ưu đãi.

Ông Hiến đặt câu hỏi về việc TP Đà Nẵng dự kiến và có chủ trương thực hiện để xây nhà ở cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn hay không? Do hiện nay, nhiều công nhân như ông Hiến có nhu cầu được thuê nhà ở xã hội nhưng tỷ lệ được biên chế hay cho thuê rất nhỏ.

Cũng theo ông Hiến, hiện nay hầu hết công nhân đều phải thuê trọ để sống. Chi phí thuê trọ rất lớn, tiền lương dẫu tăng nhưng không theo kịp.

"Nếu chủ nhà tốt bụng thì họ xây phòng trọ kiên cố, giá điện nước, giá phòng ổn định. Nhưng cũng có chủ nhà trọ nghe thông tin tăng lương là rục rịch tăng giá tiền phòng. Mong Nhà nước có quy định bình ổn giá phòng trọ, để công nhân bảo đảm cuộc sống", cử tri Hiến kiến nghị.

IMG_3257.JPG
Người lao động ý kiến về nhà ở xã hội. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, ông Lê Nguyên Ngọc, đơn vị Công ty CP Cơ điện MT (tổ công nhân tự quản số 11, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cho biết, công nhân ở trọ tại tổ công nhân tự quản mong muốn được vào ở tại khu nhà ở công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện vào ở rất khó khăn. Ông Ngọc đề nghị gỡ bỏ những điều kiện để người lao động được thuê nhà như: điều kiện về tạm trú, thu nhập, chịu thuế, thời gian làm việc tại doanh nghiệp,…

z5414518320450_5553cf6bc88297fedda03d08e3d04850.jpg
Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng trao 100 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho đoàn viên lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trả lời cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng khẳng định, TP Đà Nẵng có chủ trương phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo Đảng đoàn Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng rà soát, xem xét lại các điều kiện cụ thể để mở rộng đối tượng phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động vào khu nhà ở công nhân.

Đề cập đến chủ trương của địa phương trong phát triển nhà ở xã hội, ông Quảng cho biết, đến hết năm 2023, TP Đà Nẵng đã hoàn thành 15.549 căn hộ chung cư, 1.146 phòng ký túc xá sinh viên. Trong đó, ngân sách TP Đà Nẵng đầu tư đã hoàn thành hơn 10.579 căn, 2 dự án ký túc xá sinh viên tập trung với 1.146 phòng. Hiện địa phương đang báo cáo với cấp có thẩm quyền để chuyển ký túc xá sinh viên này thành nhà ở xã hội để phục vụ cho người lao động. Giai đoạn 2021-2023, thành phố đã hoàn thành 8 khối nhà tại 3 dự án với tổng 1.774 căn; đang triển khai xây dựng 5 dự án với khoảng 2.700 căn; đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với một dự án với khoảng 608 căn từ ngân sách thành phố; đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư 3 dự án với khoảng 3.500 căn. Hiện nay, TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bố trí một khu đất để xây dựng các thiết chế về nhà ở công nhân với khoảng 700 căn.

Ông Quảng đề nghị các cấp đoàn cung cấp những thông tin này cho người lao động.

IMG_3271.JPG
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Những điều này thể hiện rõ chủ trương của TP Đà Nẵng trong việc quan tâm, bố trí điều kiện ăn ở cho người lao động trên địa bàn. Thời gian tới, địa phương tiếp tục có những chủ trương, cơ chế hỗ trợ cho người lao động, nhất là người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn.

Ngoài ra, về tình hình giá cả thị trường, ông Quảng cho rằng, đây là thách thức. Một trong các mâu thuẫn rất lớn là khi lương chưa tăng, thì giá cả đã tăng rồi. Quốc hội, Chính phủ đã bàn bạc, có những giải pháp để bình ổn giá cả khi quyết định tăng lương.

Tin cùng chuyên mục