Dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều nơi, không ít công nhân bị cách ly khiến đời sống người lao động (NLĐ) thêm khó khăn. Trước thông tin TPHCM triển khai gói hỗ trợ lần hai (dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng) và phương án hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, về thủ tục, điều kiện để NLĐ sớm tiếp cận khoản hỗ trợ này.
Chia sẻ kịp thời khó khăn của người lao động
* Phóng viên: Việc TPHCM triển khai gói hỗ trợ lần hai là tin vui đối với nhiều NLĐ. Phía tổ chức Công đoàn TPHCM chuẩn bị ra sao để NLĐ sớm tiếp cận gói hỗ trợ này?
- Ông HỒ XUÂN LÂM: Theo đề xuất của Sở LĐTB-XH TPHCM, sẽ có 6 nhóm được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội lần này, trong đó có nhóm NLĐ làm việc tại doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh; NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động nữ đang mang thai, đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi...
Đây là sự hỗ trợ cần thiết đối với NLĐ trong thời điểm hiện nay. Để giúp NLĐ sớm tiếp cận gói hỗ trợ, LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp DN thống kê số lượng, lên danh sách NLĐ tại DN, các nghiệp đoàn trong diện được hỗ trợ để gửi cơ quan lao động địa phương. Chúng tôi cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở hướng dẫn để NLĐ hoàn thiện thủ tục, sớm tiếp cận gói hỗ trợ này.
* Riêng chương trình hỗ trợ khẩn cấp đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của LĐLĐ TPHCM đã triển khai đến đâu?
- LĐLĐ TPHCM đã có hướng dẫn việc chi hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời đến NLĐ trên địa bàn TPHCM, theo Quyết định 2606 của Tổng LĐLĐ Việt Nam (về việc triển khai chi hỗ trợ khẩn cấp đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19). Cụ thể, khi đoàn viên, NLĐ thu nhập dưới 5 triệu đồng, nữ đoàn viên đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi, bị bệnh hiểm nghèo, đang nằm viện hoặc bị tai nạn lao động trong thời kỳ cách ly, là thu nhập chính trong gia đình phải nuôi dưỡng cha/mẹ/vợ/chồng/con không có thu nhập sẽ được nhận hỗ trợ.
Ngoài ra, NLĐ phải ngừng việc do bị thu hẹp sản xuất, do nơi làm việc bị phong tỏa, cách ly bởi dịch Covid-19; NLĐ nghỉ việc, mất việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; NLĐ có cha/mẹ/vợ/chồng/con cùng phải cách ly y tế tại nhà hoặc một người là F0, F1 sẽ thuộc diện đặc biệt được chăm lo. Mức hỗ trợ tối đa 500.000 - 3 triệu đồng/trường hợp. Chúng tôi cũng triển khai phương án chăm lo NLĐ làm việc tại DN khi khu ở trọ bị cách ly, với mức hỗ trợ mỗi trường hợp là 25.000 đồng/ngày và không quá 500.000 đồng/đợt cách ly.
Tính từ đầu tháng 6-2021 đến nay, các cấp công đoàn TPHCM đã chi hỗ trợ cho gần 2.000 trường hợp. Công việc chi hỗ trợ được tiếp tục thực hiện, để khi phát sinh trường hợp thì họ sẽ kịp thời được hỗ trợ, vơi bớt khó khăn do dịch Covid-19.
Đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ
* LĐLĐ TPHCM đã có sự hướng dẫn, hỗ trợ gì để NLĐ dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ?
- Các thủ tục để hưởng hỗ trợ đã được LĐLĐ TPHCM triển khai đến công đoàn cơ sở, đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện. Theo đó, NLĐ thuộc diện phải đi cách ly chỉ cần văn bản của cấp thẩm quyền đưa đi cách ly cùng các giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được chăm lo.
Trên tinh thần không bỏ sót bất kỳ NLĐ nào gặp khó khăn trong diện được hỗ trợ, LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo các cấp công đoàn ở TPHCM rà soát, tổng hợp danh sách công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phía tổ chức công đoàn cũng hỗ trợ NLĐ thực hiện thủ tục để có thể tiếp cận các phương án hỗ trợ nhanh nhất. Đặc biệt, đối với những trường hợp đang bị cách ly hoặc ở khu vực bị phong tỏa, công đoàn cơ sở sẽ thay mặt NLĐ thực hiện các thủ tục. NLĐ sẽ nhận chi phí hỗ trợ qua tài khoản. Trong chương trình hỗ trợ mà LĐLĐ TPHCM đã triển khai, những trường hợp là F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng/người, F1 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
* Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, LĐLĐ TPHCM có đề xuất thêm phương án nào, thưa ông?
- Theo quy định, nếu cách ly tập trung (tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước chọn), NLĐ tự trả chi phí tiền ăn 80.000 đồng/ngày. Các khoản khác về đi lại, xét nghiệm, phục vụ sinh hoạt sẽ được ngân sách nhà nước bảo đảm. Để đảm bảo quyền lợi NLĐ, tổ chức công đoàn kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sớm có hướng dẫn thủ tục để NLĐ có tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thanh toán chi phí tiền ăn 80.000 đồng/ngày.
Chúng tôi cũng đề xuất đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ. Theo đó, chỉ cần có quyết định đưa đi cách ly do Chủ tịch UBND phường, xã ký có ghi rõ địa điểm và thời gian cách ly; giấy xác nhận của DN về việc NLĐ có tham gia bảo hiểm thất nghiệp là được giải quyết. Trong thời gian cách ly, NLĐ không thể tiếp xúc bên ngoài nên những hồ sơ này sẽ được công đoàn cơ sở hỗ trợ.
Trong tình hình nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong công nhân đang rất lớn, LĐLĐ TPHCM cũng đề xuất triển khai điểm giữ con công nhân khi cha, mẹ thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung. Thực tế đã có trường hợp công nhân phải ẵm theo con nhỏ đến khu cách ly dù trẻ không thuộc diện phải cách ly tập trung, do gia đình không có người chăm sóc.
Theo đề xuất của Sở LĐTB-XH TPHCM có 6 nhóm được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội lần hai. Trong đó, đối với nhóm NLĐ làm việc trong các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức đề nghị hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/người, dự kiến có khoảng 42.567 người. NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được đề xuất mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người. Riêng lao động nữ đang mang thai, đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người… |