Tại phiên họp sáng 25-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, nhận định một số nội dung đề xuất sửa đổi có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và việc cân đối quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước. Vì vậy, ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế bảo đảm quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Tuy đồng tình với xu hướng mở rộng phạm vi được hưởng, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, song cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều chiều trong mối tương quan với khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế và bảo đảm tính xã hội, chia sẻ rủi ro của bảo hiểm y tế.
Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đây là dự án được Chính phủ đề nghị xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp để đảm bảo sự đồng bộ với một số đạo luật có liên quan và giải quyết một số vướng mắc trước mắt. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị không cầu toàn, bám sát các nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực này và chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, rõ, đã đánh giá tác động. Những nội dung chưa được kiểm chứng trong thực tế, còn có ý kiến khác nhau, cần được nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng và thực hiện có lộ trình.
Về thanh quyết toán, thuốc cấp cho người đi khám bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Phải đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, để người có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng được trong toàn quốc một cách dễ dàng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là phù hợp, cần rà soát kỹ để đảm bảo không ai bị thiệt thòi, nhất là những đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, do đây là vấn đề có tác động lớn đến ngân sách nhà nước nên cần tính toán kỹ quyền lợi tài chính và tính khả thi khi triển khai thực hiện.
Cùng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội về việc tạo thuận lợi cho người khám chữa bệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ví dụ cụ thể, người bệnh đang nằm trong viện không ở địa bàn cư trú mà bảo hiểm y tế, thì phải ưu tiên làm thẻ mới cho người bệnh. Nếu đủ thuốc cấp cho người bệnh (thuốc trong danh mục được thanh toán) mà người bệnh phải mua ngoài thì phải được thanh toán.
Đại diện Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Triệu Văn Cường băn khoăn: “Mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế là đúng, nhưng mở rộng quá thì cân đối ngân sách có thể không gánh được”. Ông Cường đề cập đến đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ quan tâm đến đối tượng cận nghèo và cho rằng, ranh giới giữa hộ nghèo với cận nghèo là khá mong manh, rất dễ thay đổi. Cần xác định những nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng hơn để đảm bảo tính công bằng.
Đặc biệt, Phó chủ tịch Trần Quang Phương nêu ra nghịch lý: “Bác sĩ, người có chuyên môn khám chữa bệnh thì lại không được quyết định mức chi trả, trong khi người có quyền quyết định thì lại không có chuyên môn y tế. Đây là câu chuyện xảy ra nhiều trong thực tế. Tuy không đưa vào luật, nhưng khi xây dựng văn bản hướng dẫn thì phải quy định rõ về hội đồng giám định bảo hiểm. Tương tự với danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm”.