
Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TPHCM và các doanh nghiệp Hàn Quốc vừa qua, ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza) cho hay, các sở ngành đang xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước sau nhiều năm vướng mắc. Đơn cử, Công ty CJ Foods Việt Nam ký hợp đồng thuê đất với KCN Hiệp Phước từ tháng 7-2017, đã đầu tư 2.650 tỷ đồng để xây dựng nhà máy và hoàn thành vào tháng 12-2018. Tuy nhiên, do thiếu giấy chứng nhận nên công ty vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng cho khoản đầu tư xây dựng nhà máy. Chưa hết, tháng 11-2020, nhà máy bị cháy rụi hoàn toàn nên Công ty CJ Foods Việt Nam càng thêm gặp khó. Tuy nhiên, việc sắp được cấp giấy chứng nhận phần nào đang hé mở cơ hội để công ty tái đầu tư...
Lâu nay, vì chưa được cấp giấy chứng nhận nên không ít công ty đã thuê đất, hoạt động từ lâu trong KCN Hiệp Phước gặp khó khi muốn mở rộng nhà xưởng, thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH giấy Xuân Mai, chia sẻ, mấy năm nay, ông trăn trở việc mở rộng nhà xưởng, lắp đặt máy xeo giấy carton định lượng cao để có thể tận dụng 100% lượng bã giấy, bột giấy phát sinh từ 2 nhà máy Kraft và Tissue, giảm tối đa phát sinh rác thải. Vì vậy, với việc tháo gỡ cấp giấy chứng nhận, Công ty TNHH giấy Xuân Mai sẽ triển khai các chiến lược kinh doanh.
Ông Huỳnh Bảo Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước, cho biết, ngày 21-3 vừa qua, Sở TN-MT TPHCM đã ký hợp đồng thuê đất với 7 khu đất, tổng diện tích khoảng 296ha và sở đang tiến hành thủ tục đo vẽ để cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, các doanh nghiệp trong KCN sẽ được cấp giấy chứng nhận với diện tích khoảng gần 100ha; 160ha đất sạch khác cũng có thể đưa vào khai thác ngay bởi đã được giao đất và đầu tư hạ tầng đầy đủ.
Áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt
Bên cạnh tháo gỡ về pháp lý đất đai, một điểm tích cực khác trong việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong KCN phát triển là đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Ông Trần Việt Hà cho biết, với quy định tại Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm nay, các nhà đầu tư có thể được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, một cửa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí. Đó là các dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; dự án nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch; dự án mạch tích hợp bán dẫn, vi mạch, chip…
Theo đó, chỉ trong thời hạn 15 ngày, Hepza sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Những dự án được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ không phải thực hiện các thủ tục thông thường như: chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng, các thủ tục về phòng cháy chữa cháy… Trước khi xây dựng, nhà đầu tư chỉ cần thông báo đến cơ quan chức năng. “Đây được xem là một trong những đột phá về thủ tục hành chính để thu hút đầu tư nhanh chóng. Khi các nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm và đặt vấn đề thì Hepza đã sẵn sàng để áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt”, ông Trần Việt Hà cho biết.
Theo báo cáo của Hepza, đến tháng 3-2025, tại các khu chế xuất - khu công nghiệp của TPHCM có 1.746 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 556 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là dự án có vốn đầu tư trong nước. Trong quý 2-2025, Hepza sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến các KCN trên địa bàn.