Làm cho người tiêu dùng tin yêu hàng Việt
Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là BCĐ) tại TPHCM, ngay từ đầu năm BCĐ đã chủ động đề ra nội dung trọng tâm triển khai thực hiện, phát động đến đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc thành ủy, cấp ủy 24 quận, huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, kêu gọi sự hưởng ứng thực hiện của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước khi thực hiện mua sắm công.
Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động rộng rãi trong đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, CVĐ trở thành phong trào hành động thiết thực trong các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân.
Đặc biệt, sau khi TP tổ chức thành công hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ, BCĐ và Sở Công thương đã tăng cường tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp (DN) giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện CVĐ sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới “hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” thông qua cách làm mới với mục tiêu “Chắp cánh hàng Việt” phù hợp hơn trong điều kiện mới.
Nói cách khác, chúng ta đã hội nhập, mở cửa nền kinh tế gắn với hàng rào thuế quan đang dần bị gỡ bỏ sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa từ các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn và ngược lại.
Với cách làm này, TPHCM xem hệ thống phân phối là chủ thể chính trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, thông qua việc hợp sức để thống nhất các tiêu chí cụ thể cho từng ngành hàng. Nhà sản xuất phải đảm bảo các tiêu chí chung được đưa ra, đạt chất lượng thì mới được đưa vào hệ thống.
Nói cách khác, các nhà phân phối sẽ phát tín hiệu thị trường, từ đó các nhà sản xuất phải tham gia để định hướng lại quá trình sản xuất. Khi chúng ta có đủ nguồn hàng, TP sẽ đứng ra kết nối để các DN có thể thỏa thuận mua và bán theo giá thị trường.
Cách làm này giúp nâng trách nhiệm của nhà sản xuất, gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm của TP. Người dân TP sẽ được cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm có thương hiệu, có chất lượng và an toàn.
Song song đó, chương trình cũng tập trung các giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa sản xuất ngành hàng nông sản thực phẩm tươi sống như rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản... giúp ổn định cung - cầu, hạn chế “giải cứu”.
Việc chuẩn hóa, nâng chất hàng hóa thông qua thực hiện sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc giúp đưa nông sản Việt vươn xa hơn, hướng tới xuất khẩu.
Kinh nghiệm từ hệ thống MM Mega Market cho thấy, sau khi tiếp quản từ Metro Cash&Carry, MM đã kiên trì để phát triển mô hình về chuỗi sản xuất và cung ứng rau quả an toàn, đồng thời đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các hộ nông dân tại tỉnh Lâm Đồng trong nhiều năm qua.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà MM đã thực hiện rất hiệu quả trong hơn 10 năm qua, đó là huấn luyện nông dân sản xuất rau quả theo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất do MM xây dựng. MM lựa chọn các trang trại đạt chuẩn, tổ chức các khóa đào tạo và đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của MM luôn đồng hành chặt chẽ với nông dân trong suốt quá trình sản xuất.
Trong quá trình hợp tác, MM thể hiện rất rõ quan điểm cũng như “quyền lực mềm” của mình theo hướng 2 bên cùng có lợi, nếu nhà sản xuất thực hành theo đúng các tiêu chí của MM đưa ra, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ được bao tiêu sản phẩm, ổn định về giá thu mua. Một khi đã vi phạm các tiêu chí nói trên, nhà sản xuất sẽ vĩnh viễn bị loại khỏi “cuộc chơi”, kiên quyết “nói không” với thực phẩm bẩn.
Tính đến nay, MM đã xây dựng được các chuỗi cung ứng hàng hóa “từ trang trại đến bàn ăn” bền vững đối với rau củ quả, thủy hải sản, thịt heo và gia cầm. Với mỗi ngành hàng, MM đều đã xây dựng các trạm trung chuyển với đội xe vận chuyển chuyên nghiệp nhằm đảm bảo hàng hóa đạt chất lượng tốt nhất để cung ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu vào hệ thống các siêu thị Big C tại Thái Lan.
Nâng tỷ lệ mua sắm công hàng trong nước đạt 85%
Cùng với việc hỗ trợ, nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước, BCĐ đã đưa nội dung ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong mua sắm của cơ quan vào quy chế chi tiêu nội bộ được thông qua trong hội nghị cán bộ công chức vào đầu năm, đồng thời thực hiện nghiêm quy chế đã đề ra.
Nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên đã gắn với việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đăng ký thực hành tiết kiệm và ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân và gia đình, tích cực vận động mọi người cùng thực hiện.
Nội dung tuyên truyền được các đoàn thể, tổ chức thành viên lồng ghép vào các phong trào thi đua như: Cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Người kinh doanh mới”, xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Mỗi đoàn viên thanh niên là một đại sứ tiêu dùng hàng Việt”, với thực hiện Chỉ thị 5 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhờ vậy, trong 8 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ mua sắm công là hàng sản xuất trong nước đạt 85%, 15% hàng hóa còn lại do yêu cầu về kỹ thuật cao nên bắt buộc phải sử dụng sản phẩm do nước ngoài sản xuất.
Theo nhận định của BCĐ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện CVĐ tại cơ quan, công sở mặc dù có quan tâm, nhưng chưa được thực hiện một cách thường xuyên, chưa trở thành nề nếp.
Hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đối với công nhân, người lao động có thu nhập thấp trong việc ưu tiên dùng hàng Việt có nguồn gốc xuất xứ, rõ ràng còn nhiều hạn chế do ý thức, thói quen mua sắm và khó khăn về thu nhập nên tình trạng sử dụng hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng còn khá phổ biến.
Đặc biệt, trước tình hình các tập đoàn, công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa, phân phối sản phẩm ngày càng nhiều và chiếm lĩnh thị trường trong nước đã làm cho các DN sản xuất Việt Nam lo lắng trước viễn cảnh các sản phẩm nhập khẩu sẽ dần chiếm chỗ trên thị trường Việt Nam, làm tăng sức ép cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên chính thị trường trong nước.
Mặt khác, với tình hình các DN nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào thị trường Việt Nam đã minh chứng lợi thế từ những chính sách ưu đãi đầu tư dành cho DN ngoại. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc hỗ trợ đối với DN tư nhân trong nước dường như chưa được quan tâm đúng mức.
Công tác quản lý thị trường tuy có nỗ lực, nhưng do thị trường rộng nên vẫn còn một lượng không nhỏ hàng gian, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng lưu thông bất hợp pháp trên thị trường nên đã ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam, gây khó khăn trở ngại cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh của DN.
Những tháng cuối năm, TP tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt những quan điểm chỉ đạo, nội dung cơ bản của Thông báo Kết luận số 264 của Bộ Chính trị, Kết luận số 107 của Ban Bí thư, các chỉ thị và thông tư của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Thành ủy, Chương trình hành động của TP về thực hiện CVĐ.
Tổ chức kiểm tra việc thực hiện CVĐ tại 2 đơn vị là huyện Hóc Môn và quận 11; tổ chức đoàn khảo sát tìm hiểu tình hình sản xuất - kinh doanh của DN và đề xuất những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Theo đó, Sở Công thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước triển khai chương trình đưa hàng hóa Việt vào các KCX - KCN, làm việc với 2 hệ thống phân phối của nhà nước là Saigon Co.op và Satra để triển khai chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, từ đó xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các hệ thống phân phối khác trên địa bàn TP.
Để ổn định thị trường, TP tiếp tục gắn việc thực hiện CVĐ với Chương trình bình ổn thị trường của TP vì hiện 100% hàng hóa trong chương trình là hàng Việt Nam. Đây cũng là cách để giúp hàng Việt thâm nhập tốt hơn vào các hệ thống phân phối, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nhiều sự lựa chọn cho người dân.