- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về quyết tâm tăng trưởng 6,5% trong năm nay của Chính phủ?
Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Tôi cho rằng chúng ta phải có tham vọng thì mới có được các giải pháp phù hợp. Chính phủ đặt mục tiêu đó, tôi cho là phù hợp. Trước khi đặt mục tiêu đó, Chính phủ cũng đã có nhiều thảo luận, cân nhắc. Và tôi ủng hộ quyết tâm cao đó.
Mặt khác, nhìn vào những hành động của Chính phủ trong thực tiễn năm 2020 cho thấy, rất nhiều biện pháp mới đã liên tục được Chính phủ bổ sung. Ví dụ, Chính phủ đã có NQ 02/2020 về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19, đến giữa năm, Chính phủ tiếp tục ban hành NQ 68 với phạm vi, đòi hỏi cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều. Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh nhiều lần, khó gấp đôi thì nỗ lực phải gấp ba, gấp bốn. Với những hành động như vừa rồi thì tôi rất tin tưởng quyết tâm tăng trưởng của Chính phủ.
- Trong bối cảnh hiện nay, để đạt mục tiêu tăng trưởng, việc cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh đặc biệt quan trọng. Ông đánh giá thế nào về NQ 02/2021 của Chính phủ, so với mọi năm?
Đầu tiên chúng ta thấy NQ 02/2021 năm nay mỏng hơn rất nhiều so với thông lệ, chỉ 3 trang. Nhưng hình thức không thể hiện đủ tinh thần của NQ, nên có thể gọi NQ 02/2021 là NQ 02/2020 + 4. NQ 02/2021 được soạn thảo trên một cách thức rất đổi mới, đó là trên tinh thần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung của NQ năm trước và thêm những nội dung cần tập trung cho năm 2021, đó cũng là 4 trọng tâm mới của Chính phủ.
Thứ nhất, Chính phủ đã nhận thấy được những cải cách gần đây của chúng ta mới chỉ nằm trong phạm vi một bộ, ngành, trong khi đó DN chịu sự tác động của liên ngành, không thể giải quyết chỉ bằng một bộ, ngành. Nên điểm mới của NQ 02-2021 là trọng tâm giải quyết tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết một cách triệt để. Tập trung vào những điểm mà DN vướng rất lâu, đơn cử như thủ tục đầu tư. Trong năm 5 gần đây, tôi cho là việc cải cách đã cơ bản đạt chuẩn quốc tế, nhưng nay vấn đề khúc mắc hơn rất nhiều. Ví dụ một dự án đầu tư trong một số trường hợp có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, vậy thì lợi ích, cơ hội kinh doanh sẽ bị mất đi, chính điều đó là những vật cản và lần này, Chính phủ tập trung giải quyết liên ngành chứ không khu trú một bộ, ngành, một lĩnh vực. Một đơn vị chủ trì, tăng cường sự phối hợp của các đơn vị khác.
Thứ hai, trong bối cảnh của tình hình mới thì vấn đề chuyển đổi số là rất quan trọng. Đây là một cuộc chơi mà chúng ta không thể không chơi. Trước đây, DN “không chơi” thì vẫn còn chỗ để hoạt động, nhưng nay mà đứng ngoài thì sẽ bị đào thải ra khỏi cuộc chơi. Đơn cử, thời đại thương mại số, các DN họ giao thương, kết nối với nhau qua nền tảng số. Một cảng vụ không có những hóa đơn, chứng từ số mà vẫn cứ phát những vận đơn hay giấy tờ thì đến các cảng khác họ cũng không nhận. Nên trong bối cảnh hiện nay, bắt buộc phải chuyển đổi số. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ lần này nhấn mạnh, chúng ta không thể không làm, buộc phải làm. NQ 02/2021 có thể coi là NQ về thể chế. Chính phủ xác định rất rõ tiếp tục cải cách các thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số.
Thứ ba, đẩy mạnh Chính phủ số, vì không ai khác, Chính phủ phải là người tiên phong trong vấn đề này. Chính phủ điện tử thì đơn giản là chúng ta gửi một văn bản qua mail, nhưng Chính phủ số là mọi sản phẩm, dịch vụ, mọi hoạt động được tương tác trên môi trường số, từ văn bản đến chữ ký đều số. Sau 5 năm, chúng ta đã hoàn thành Chính phủ điện tử, nay buộc phải chuyển sang Chính phủ số. Chính phủ số tạo nền tảng mạnh mẽ, tạo động lực buộc DN phải chuyển đổi. Khi thực hiện Chính phủ số thì cũng tạo ra thị trường cho các DN cung ứng các dịch vụ số, đó chính là sự thúc đẩy và lan tỏa.
Năm 2020, chúng ta chứng kiến đại dịch Covid-19. Vì thế, năm 2021, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phòng chống dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép. Do đó, trọng tâm thứ 4 của Chính phủ trong năm 2021 là ứng phó với dịch Covid-19. Ở đây có 2 giải pháp vượt tầm của NQ 02 theo thông lệ: Chính phủ nhấn mạnh cải cách thể chế là một trọng tâm để giúp DN linh hoạt hơn trong việc ứng phó với sản xuất kinh doanh. DN có thể mất rất nhiều thời gian để tái cơ cấu, phá sản, mua bán, sáp nhập, chuyển đổi, trong bối cảnh dịch Covid-19 thì điều đó đòi hỏi phải rất nhanh chứ không thể đợi mất vài năm mới có thể phá sản xong DN.
Tôi cũng cho rằng cần tính đến giải pháp dài hơi hơn. Vừa qua, chúng ta mới chỉ tính đến giải pháp hỗ trợ DN giảm thiểu khó khăn với tinh thần chia sẻ, nhưng chúng ta buộc phải tính đến việc kiểm soát khó khăn và hướng đến phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, bởi không phải cứ khó khăn là chúng ta đóng cửa. Do đó, tôi cho rằng những giải pháp trong NQ 01, 02/2021 là những giải pháp căn cơ, có tính đến dài hạn. Điều đó thể hiện một nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng.
- Nhiều ý kiến cho rằng, vừa qua chúng ta đẩy mạnh cải cách thế chế, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng nhiều thủ tục cắt giảm còn mang tính hình thức?
Dù còn vài ý kiến nghi ngờ nhưng tôi cho rằng cứ cắt đi, cắt là có tác động. Lần này, Chính phủ yêu cầu không chỉ cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà còn cắt giảm tất cả các quy định gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không tranh cãi đó là điều kiện kinh doanh dưới hình thức gì. Tôi cho đó là một bước tiến rất lớn của Chính phủ trong cải cách thể chế lần này.
- Cảm ơn ông!