Tham dự hội nghị còn có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và khoảng 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế…
Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành nông nghiệp của nước ta. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian qua, nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới.
Đến nay, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước (năm 2017 có 2.000 doanh nghiệp thành lập mới đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp). Một số mô hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: Tập đoàn TH, Vinamilk, DABACO, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hùng Vương, VinGroup…, đã thành công và có sức lan tỏa lớn. Kết quả trên cho thấy, vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là nguồn lực có tính đột phá thúc đẩy chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng cao giá trị, tạo thêm việc làm và thu nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngành nông nghiệp còn phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá; phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản thấp…
Các tham luận tại hội nghị đã đánh giá thực trạng, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân đối với phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nhất là tiếp cận đất đai, tín dụng, công nghệ, giống cây trồng vật nuôi, thị trường; khó khăn về thủ tục hành chính, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, xác định rõ tầm nhìn, định hướng, giải pháp cụ thể trong ngắn hạn thực hiện được ngay và các giải pháp căn cơ về lâu dài để khắc phục các tồn tại hạn chế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, trên cơ sở đánh giá thực trạng, ghi nhận đề xuất kiến nghị của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp. Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường. Cải cách cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trong đó chú trọng vấn đề sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm sự phù hợp giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch của từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp; cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay, từ 500 thủ tục hành chính xuống còn 250 thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, hoàn thiện, triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi tín dụng, đặc biệt đối với các dự án nông nghiệp tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Rà soát, hoàn thiện và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp.