Tạo đà cho tiêu dùng về đích

Trong những tháng còn lại của năm 2024, các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ tích cực đa dạng các giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa, góp phần đảm bảo mục tiêu chung về tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Tăng trưởng chưa rõ nét

Năm 2024 được các doanh nghiệp (DN) đánh giá là năm có những thách thức chưa từng có bởi thời tiết diễn biến bất thường, căng thẳng địa chính trị toàn cầu đến suy thoái kinh tế… Tất cả đang tác động rất tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Mặc dù những tháng gần đây, tăng trưởng của ngành tiêu dùng bán lẻ đã có phần khởi sắc, song chưa thực sự rõ nét và nếu so với cùng kỳ vẫn có phần chậm hơn.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 9 ước đạt 535,8 ngàn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,6% và lưu trú, ăn uống tăng 7,9%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.703,4 ngàn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%).

XHH 7B.jpg
Người dân ưu tiên chọn hàng giảm giá khi mua sắm

Lý giải việc doanh thu hàng hóa dịch vụ chưa cao như kỳ vọng, giám đốc marketing một DN sản xuất có trụ sở tại TPHCM nhận định, người dân đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng dẫn tới việc cắt giảm chi tiêu, chỉ tập trung cho các mặt hàng thiết yếu và quyết định mua sắm cẩn trọng hơn. Hệ quả là việc bán hàng của DN bị ảnh hưởng và ngay các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng.

Dẫn chứng báo cáo từ Worldpanel Division (thuộc Tập đoàn nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar), một chuyên gia cho biết, trung bình thị phần của top 5 nhãn hiệu lớn nhất trong mỗi ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) hiện đều giảm ở cả khu vực thành thị (từ 72% năm 2019 còn 67% năm 2024) và nông thôn (từ 77% năm 2019 còn 65% năm 2024). Do vậy, việc thực hiện đồng loạt các giải pháp để tăng sức mua trong những tháng còn lại của năm là cấp thiết nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ về mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 là 9%.

Đa dạng các giải pháp kích cầu

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu chung về tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, tỷ lệ cao hơn 2%; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút khách nước ngoài; tăng cường khuyến mãi với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chính phủ cần thực hiện chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động, tạo sự an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao tỷ lệ lao động khu vực chính thức, tạo việc làm ổn định đáp ứng đủ yêu cầu lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế VAT hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng nhu cầu chi tiêu.

Bộ Công thương đã ban hành quyết định tổ chức “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024”, kéo dài từ ngày 2 đến 31-12-2024 trên toàn quốc. Cùng với chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia, các địa phương cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp kích cầu cấp tỉnh, thành phố. Điển hình như TPHCM, sau thành công của đợt 1 khuyến mãi tập trung kéo dài suốt 3 tháng (từ ngày 15-6 đến 15-9) với sự tham gia của hàng ngàn DN, tới đây, TPHCM tiếp tục tổ chức đợt 2, dự kiến diễn ra từ ngày 15-11 đến 31-12-2024. Sở Công thương TPHCM cho biết, tại chương trình, các DN chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mãi với nội dung đa dạng, hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.

Luôn đi đầu trong các hoạt động kích cầu của TPHCM nhiều năm qua, đại diện nhà bán lẻ Saigon Co.op cho biết, đơn vị đã và đang chủ động nhiều giải pháp kích cầu với mục tiêu hỗ trợ DN sản xuất kết nối người tiêu dùng. Theo đó, Saigon Co.op bắt tay chặt chẽ với nhà sản xuất khi đặt hàng số lượng lớn, dài hạn; giới thiệu đơn vị cung ứng vốn cho nhà sản xuất, giúp họ chủ động được nguyên liệu, từ đó giữ giá thành hàng hóa ổn định. Song song đó, Saigon Co.op cũng luân phiên thực hiện các đợt khuyến mãi quy mô lớn, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa chất lượng với giá phải chăng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhà bán lẻ này luôn đón đầu xu hướng mua sắm của khách hàng để có những đợt khuyến mãi, giảm giá phù hợp. Điển hình như 800 điểm bán của Saigon Co.op vừa kết thúc đợt giảm giá sâu đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm bán chạy của hơn 100 thương hiệu Việt có độ nhận diện cao nhất, được khách hàng lựa chọn nhiều nhất trong năm qua. Theo Saigon Co.op, việc thực hiện giảm giá luân phiên này đã giúp lượng khách đến mua sắm tăng từ 10%-20% trên toàn hệ thống. Đây là động lực để Saigon Co.op tiếp tục bắt tay cùng các DN sản xuất, cung ứng hàng hóa có những hoạt động thiết thực hơn cho khách hàng trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục