Thay đổi về chính sách
Dịch Covid-19 có những tác động nhất định đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, dịch bệnh cũng mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm tiếp theo với việc các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đang bắt đầu hoạt động tái cấu trúc và chuyển dịch sản xuất, chuyển dịch địa điểm đầu tư sang quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT cho biết, Chính phủ đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là TP Đà Nẵng. Nổi lên và được ví như là một Thung lũng Silicon của Đông Nam Á, Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan Trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và là điểm đến đắt giá thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu.
Ngay từ đầu năm 2020, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình số 44-CTr/TU về triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; xác định rõ việc chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại với giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Đà Nẵng luôn nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh/thành phố (PCI); 11 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index); là địa phương liên tục được xếp trong nhóm đứng đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính. Có thể khẳng định, KT-XH thành phố giai đoạn 2015-2019 duy trì ổn định và phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2020, thành phố cũng đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. |
“Thành phố Đà Nẵng tập trung triển khai nhiều biện pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước, nhất là vốn FDI cho đầu tư phát triển KT-XH gắn với khuyến khích phong trào khởi nghiệp”, ông Hồ Kỳ Minh nói.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Đà Nẵng, tính đến ngày 15-9, TP Đà Nẵng đã thu hút được 16.809,5 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 140,879 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, về đầu tư trong nước, 9 tháng của năm 2020, Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư ngoài Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 16.159 tỷ đồng; thu hút 11 dự án vào các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký 650,5 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15-9, TP Đà Nẵng có 340 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 121.055 tỷ đồng và 361 dự án đầu tư trong nước trong các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký 24.747,8 tỷ đồng.
Về đầu tư FDI, từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng đã cấp mới 66 dự án với tổng vốn đăng ký là 121,78 triệu USD; có 9 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 15,038 triệu USD; có 1 dự án với tổng vốn giảm 25.000 USD; có 82 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 4,061 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15-9, TP Đà Nẵng có 869 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3,518 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 huy động ước đạt 187,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,74%/năm, năm 2020 ước đạt 37.696 tỷ đồng, gấp 1,11 lần so với năm 2016. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển chuyển dịch đúng định hướng, năm 2020 ước tỷ trọng vốn đầu tư phát triển chiếm 37,24% so với GRDP TP Đà Nẵng. Hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt kết quả khá. Giai đoạn 2015-2020, Đà Nẵng đã xúc tiến, thu hút và quản lý 6 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đang được triển khai với tổng vốn đầu tư là 351,423 triệu USD. Ngoài ra, giai đoạn 2015-2020, Đà Nẵng cũng đã thu hút được khoảng 284 dự án viện trợ phi chính phủ (NGO) với tổng kinh phí tài trợ khoảng 520,3 tỷ đồng. |
“Thời gian qua, Đà Nẵng rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đưa các chuyên gia, người lao động nhập cảnh vào Việt Nam để kịp thời triển khai dự án theo đúng quy trình, thủ tục và các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và địa phương’, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc IPA Đà Nẵng chia sẻ.
Ngoài ra, để đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh, Đà Nẵng tích cực nâng cao năng lực đào tạo các cấp học theo nhu cầu của xã hội thông qua việc ký kết hợp tác với các cơ sở đào tạo trên địa bàn, tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trực tiếp kết nối, tăng cường năng lực dịch vụ công về dịch vụ việc làm và xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực và môi trường làm việc có chất lượng.
Đẩy mạnh dự án trọng điểm
Năm 2020, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả mục tiêu của chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Trong đó, khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN), có những ưu thế đặc biệt, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút đầu tư với nhiều dự án được triển khai.
Cơ chế, chính sách ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư đối với KCNC Đà Nẵng được triển khai thực hiện theo Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 4-1-2018 của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong KCNC được hưởng thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm. Đối với các dự án đầu tư mới vào KCNC có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 30 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, Khung tiêu chí đánh giá, xét chọn công nghệ dự án đầu tư vào KCNC đã được ban hành. Ngoài ra, Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Để đón đầu xu hướng chuyển dịch của các tập đoàn kinh tế thế giới hậu Covid-19, theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, hiện BQL đã hoàn thành thủ tục thẩm định hồ sơ dự sơ tuyển đối với 3 KCN mới, gồm: KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2 (diện tích 120ha), KCN Hòa Nhơn (diện tích 360 ha) và KCN Hòa Ninh (diện tích 400ha) với tổng giá trị gần 14.000 tỷ đồng. Khi 3 KCN mới này có chủ đầu tư và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động, cộng với việc chuyển đổi Khu phụ trợ KCNC thành Khu công nghiệp hỗ trợ KCNC, TP Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202ha, tạo điều kiện có được quỹ đất công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian đến.
“Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng tại KCNC và các KCN để tạo quỹ đất sẵn sàng đón cơ hội đầu tư, thời gian đến, Ban Quản lý tiếp tục đốc thúc dự án chậm triển khai xây dựng tại KCNC và các KCN để sớm đưa vào hoạt động”, ông Sơn cho biết.
Mặc dù các hoạt động phát triển KT-XH bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng TP Đà Nẵng đã chủ động trong công tác điều hành, triển khai thực hiện nhằm phát huy vai trò của đầu tư công trong phát triển KT-XH của TP Đà Nẵng.
Với đầu tư công - cơ sở hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng kinh tế trước những tác động của dịch Covid-19, ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng nhìn nhận, năm 2020, Sở KH-ĐT Đà Nẵng ban hành các quyết định nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tăng cường phân cấp phân quyền cho các đơn vị như: thẩm quyền quyết định đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư… Vì vậy, tiến độ giải ngân có chuyển biến rõ rệt, giá trị giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.718 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch Trung ương giao, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giải ngân 252,2 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch giao.
Hoạt động đầu tư công cũng được Sở KH-ĐT Đà Nẵng tập trung lập kế hoạch, phân bổ và cân đối vốn theo hướng hiệu quả, sát với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, công tác tham mưu quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, đầu tư có trọng điểm, quy mô hợp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư. Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế - dự toán, đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng trình tự thủ tục đảm bảo quy định hiện hành. Các công trình động lực trọng điểm được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng hiệu quả nhiều công trình quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa động lực.
Như vậy, một khi thực hiện cải thiện môi trường đầu tư của thành phố theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thì ở đó khu vực kinh tế tư nhân được khơi dậy và có sự phát triển và dần trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP Đà Nẵng.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn, tạo sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển KT-XH TP Đà Nẵng. Chủ trương đó đã được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cụ thể hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là Kết luận số 171-KL/TU ngày 23-4-2018 đã xác định lộ trình và giải pháp huy động nguồn lực đầu tư triển khai 82 dự án động lực, trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng; nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả; cơ sở hạ tầng phục vụ xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư được đầu tư hoàn thiện; hệ thống dịch vụ y tế phát triển theo hướng chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế; các dự án văn hóa trọng điểm, công trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp được quan tâm đầu tư. Ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng |