Hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM hiện có 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại (TTTM) và 2.735 cửa hàng bán lẻ. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên TPHCM chưa phát triển thêm nhiều điểm bán mới. Tuy vậy, xét về mức tỷ trọng, các hệ thống phân phối hiện đại trong nước vẫn duy trì ưu thế tỷ trọng điểm bán, chi phối thị trường bán lẻ hiện đại; trong đó siêu thị chiếm 80%, TTTM chiếm 60%, cửa hàng tiện lợi chiếm 76%, đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.
Hệ thống phân phối hiện đại đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại thông qua việc lựa chọn kênh phân phối mặt hàng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp; góp phần xóa bỏ các điểm - khu vực kinh doanh tự phát hoạt động trên lòng, lề đường, gây mất an ninh trật tự giao thông và ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan đô thị của TP.
Để tiếp tục phát triển thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa trong năm 2021, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, sở tiếp tục phối hợp với các tỉnh thành triển khai tốt Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành để giới thiệu vị trí mặt bằng cho đơn vị bán lẻ TP phục vụ công tác phát triển điểm bán, sớm mở rộng quy mô hệ thống đủ sức cạnh tranh với các hệ thống nước ngoài. Khai thác mở rộng thị trường, kết nối hai chiều, góp phần hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa của doanh nghiệp các tỉnh thành vào hệ thống phân phối TPHCM và ngược lại.
Ngành công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất UBND TP hướng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thẩm quyền ban hành Kế hoạch Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025 để phục vụ cho công tác phát triển các hệ thống phân phối. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, kinh doanh siêu thị, TTTM, cửa hàng trên cơ sở phù hợp định hướng Quy hoạch Phát triển ngành thương mại TPHCM, trong đó ưu tiên phát triển tại vị trí giao thông thuận lợi, như khu vực cửa ngõ thành phố, các tuyến đường vành đai, khu đô thị có quy mô lớn, khu vực kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga các tuyến đường sắt đô thị (metro).
Để tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, góp phần ổn định thị trường, từ ngày 1-4-2021, sở tiếp tục triển khai các Chương trình Bình ổn thị trường năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có năng lực, uy tín, thương hiệu tham gia chương trình. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giới thiệu mặt bằng, đổi mới công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối, cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới thiết bị, tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường.
Tại buổi phê duyệt nội dung triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã chấp thuận chủ trương giao Sở Công thương TP tham mưu UBND TP triển khai tổ chức 2 đợt khuyến mãi tập trung nhằm tạo cú hích trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan mua sắm, góp phần xây dựng TPHCM trở thành một trung tâm mua sắm lớn của cả nước và khu vực.