Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa gửi báo cáo đến ĐBQH về dự kiến tiếp thu chỉnh lý, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra thống nhất dự kiến tiếp thu, chỉnh lý 14 nhóm vấn đề lớn trong dự thảo nghị quyết.
Một trong số này là việc quy định về kỳ họp bất thường, vừa bảo đảm chặt chẽ trong việc tổ chức kỳ họp, vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp một cách linh hoạt, gồm một hoặc nhiều đợt, tạo điều kiện cho các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Về trách nhiệm của ĐBQH trong trường hợp nhận được thông tin xấu, độc về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và quy định thận trọng, chặt chẽ, khả thi bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Báo chí, Luật An ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về chất vấn tại phiên họp toàn thể, dự thảo nghị quyết được chỉnh lý theo hướng người điều hành phiên họp có thể quyết định kéo dài thời gian nêu chất vấn trong một số trường hợp cần thiết để tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành phiên chất vấn, bảo đảm cân bằng về quyền của người chất vấn và người bị chất vấn.
Sửa đổi quy định về Lễ tuyên thệ tại Điều 31 theo hướng người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ để thể hiện sự trung thành với Tổ quốc; người tuyên thệ phát biểu nhậm chức sau khi tuyên thệ và không quy định việc tặng hoa, vì đây chỉ là một hoạt động mang tính lễ tân.