Nói về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết, theo quy định của Luật Xuất bản, trách nhiệm chọn tác giả, biên tập viên thuộc thẩm quyền của giám đốc nhà xuất bản. Do đó, quyết định thành lập ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa và mức chi thù lao đối với các thành viên trong ban chỉ đạo của NXBGD Việt Nam thực hiện theo đúng quy định. Trước đó, trong một văn bản phát đi từ Bộ GD-ĐT cũng ghi rõ: “Tổng giám đốc hoặc giám đốc NXBGD Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là sách giáo khoa)”.
Ở góc độ Sở GD-ĐT TPHCM, một lãnh đạo sở này cho biết, một trong những điểm quan trọng thể hiện trong Nghị quyết số 88/2014/QH 13 là khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, đồng thời cho phép nhiều bộ sách giáo khoa được xây dựng trên cơ sở một chương trình khung thống nhất. Căn cứ cơ sở pháp lý đó, ngày 14-4-2015, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 1744/BGDĐT-VP cho phép Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với NXBGD Việt Nam biên soạn bộ sách giáo khoa theo khung chương trình mới.
Trước lo lắng của dư luận về việc liệu Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa của NXBGD Việt Nam có thành viên là lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM có dẫn đến việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục của TP thiếu khách quan hay không, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc sở này cho biết, đối với sách giáo khoa lớp 1, Sở GD-ĐT TP chỉ đạo các trường phải có đủ 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, lưu giữ tại tủ sách dùng chung của đơn vị để tất cả giáo viên có thể tham khảo điểm mạnh và hay riêng của từng bộ sách. Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng đề nghị các nhà xuất bản sớm cung cấp sách mẫu để các thầy, cô giáo, quý phụ huynh và xã hội cùng nghiên cứu, so sánh để có lựa chọn bộ sách phù hợp nhất với đặc điểm của cơ sở, đơn vị mình. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới.
Trong quá trình chọn sách, quy định của Bộ GD-ĐT đưa ra rất rõ ràng, những người tham gia biên soạn sách giáo khoa sẽ không được quyền tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Điều này đồng nghĩa với việc các cá nhân, dù là lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Sở GD-ĐT TP hay giáo viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu được mời tham gia ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa theo Luật Xuất bản sẽ không được tham gia hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Nếu địa phương nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT.
Theo một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, xung đột lợi ích chỉ có thể diễn ra khi cơ chế giám sát thiếu tính minh bạch, dân chủ. Như vậy, vai trò “cầm cương” quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục lần này thuộc về cơ quan chủ quản.
Dư luận cũng đặt nghi vấn, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều nhà xuất bản sách giáo khoa đã nhảy vào “cuộc chơi cạnh tranh”, nhưng đến phút cuối chỉ còn vài đơn vị thể hiện vai trò và tiếng nói trong “cuộc chơi” này?
Trả lời câu hỏi này, một mặt chúng ta phải chấp nhận những “chệch choạc” trong năm đầu tiên chuyển tiếp từ độc quyền xuất bản sách giáo khoa (từ năm học 2019-2020 trở về trước, chỉ có NXBGD Việt Nam tham gia biên soạn sách giáo khoa) sang quy định một chương trình khung, nhiều bộ sách giáo khoa (bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021).
Mặt khác, dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao sau khi Bộ GD-ĐT phê duyệt 32 đầu sách sách giáo khoa lớp 1, chỉ có bộ “Chân trời sáng tạo” do NXBGD Việt Nam chịu trách nhiệm phát hành được giới thiệu rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong khi các bộ sách khác lại im hơi lặng tiếng? Ngoài sự cạnh tranh về năng lực phát hành, sự khác biệt trong chiến dịch truyền thông và quảng bá, phải chăng còn nguyên nhân khác?
Nên chăng, Bộ GD-ĐT cần có thêm những quy định, hành lang pháp lý vững chắc để các đơn vị phát hành tham gia “cuộc chơi” này một cách công bằng, dân chủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, củng cố hơn nữa niềm tin của xã hội vào hoạt động biên soạn và phát hành sách giáo khoa.