Tạo cơ chế phát triển vùng Đông Nam bộ

Đông Nam bộ là khu vực có kinh tế phát triển nhất cả nước. Năm 2020 đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ phát triển có dấu hiệu chậm lại do các vướng mắc về cơ chế.

Theo Bộ KH- ĐT, với vị trí địa lý thuận lợi và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2023, vùng Đông Nam bộ có sự phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong đó nổi bật là các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các địa phương trong vùng; GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước; phát triển công nghiệp; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); số lượng doanh nghiệp tư nhân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo; công tác giảm nghèo bền vững; an sinh xã hội...

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội toàn vùng Đông Nam bộ phát triển chưa như kỳ vọng, nhiều nút thắt lớn chưa được tháo gỡ đã trở thành lực cản trong nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thách thức lớn nhất là hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ, tình trạng ngập úng và ùn tắc giao thông tại các đô thị ngày càng phức tạp. Kết cấu hạ tầng biển còn yếu, hệ thống hạ tầng mang tính chiến lược (cảng biển, logistics…) chưa được đầu tư đồng bộ; khoa học - công nghệ chưa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, bán dẫn... Một thách thức mới cũng được các địa phương trong vùng nhận diện là tính liên kết vùng, liên kết đầu tư phát triển, khả năng kết nối kinh tế của các tỉnh, thành vào chuỗi giá trị toàn cầu chưa cao. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin liên vùng còn rời rạc… ảnh hưởng không nhỏ đến xúc tiến đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tính liên kết, đồng bộ giữa các địa phương trong vùng với vai trò điều phối, dẫn dắt của TPHCM trong các lĩnh vực mới, hiện đại; nhiều giải pháp về thể chế đã được cơ quan chức năng xác định, thảo luận và từng bước hoàn thiện. Với các cơ chế, chính sách phát triển chung của vùng Đông Nam bộ, Bộ KH-ĐT đã cụ thể hóa ở các lĩnh vực: đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và huy động nguồn lực; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, đào tạo nguồn nhân lực và nhóm chính sách về đất đai, xây dựng.

Đến nay, nhiều cơ chế chính sách mang tính mở đường được các địa phương áp dụng, đáng kể như: HĐND cấp tỉnh được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền; quyết định sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất liên vùng... Đáng chú ý, các địa phương được tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm; chính sách về huy động nguồn lực đầu tư dự án trọng điểm, liên vùng.

Theo Bộ KH-ĐT, để vượt qua các thách thức, các địa phương trong vùng cần tập trung cơ cấu lại kinh tế, lấy đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh là trọng tâm, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, công nghệ, máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sớm hình thành các trung tâm tài chính, trung tâm logistics tầm cỡ khu vực tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngành nghề chất lượng cao.

Trên cơ sở chủ trương, định hướng của trung ương, các tỉnh khu vực Đông Nam bộ đang từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế để toàn vùng cất cánh theo tinh thần Nghị quyết 24 -NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin cùng chuyên mục