Tại Hội nghị điều phối vùng Đông Nam bộ với chủ đề "Tham vấn Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" chiều 26-11, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, cho biết đối với vùng Đông Nam bộ, chúng ta phải chọn kịch bản phát triển cao nên phải rà soát, chạy lại các đầu số và phải nghiên cứu toàn bộ điều kiện để có sự phát triển theo kịch bản.
Với lịch sử phát triển thì vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm số 1, có năng lực hội nhập, cạnh tranh quốc tế, cho nên chúng ta phải đặt điều kiện là quốc gia phải đầu tư vào đây và thậm chí có những giai đoạn từ đây đến năm 2030, chúng ta phải đầu tư đến 30%-50% nguồn lực quốc gia thì mới có được sự bức tốc trong thời gian tới. Từ đây đến năm 2030 chúng ta có thể chấp nhận tăng trưởng dưới 8% nhưng sau năm 2030 phải tăng trưởng 2 con số và 2 con số này sẽ bền vững trong 10-20 năm sau. Như vậy ở đây chúng ta không đặt lại vấn đề cơ chế cũ nữa mà gọi là cơ chế đặc biệt quốc gia cho vùng.
"Chúng tôi thấy cách tiếp cận nên có sự đột phá. Đối với phân vùng không gian kinh tế, ở đây chúng ta xác định vùng Đông Nam bộ là nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hay là công nghiệp - dịch vụ. Tôi cho rằng chúng ta nên mạnh dạn xác định đây là vùng công nghiệp - dịch vụ. Lúc cần không gian nông nghiệp thì chúng ta tính tới mối quan hệ tương quan của vùng Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL và vùng kế bên của Đông Nam bộ. Cần có sự mở rộng không gian kinh tế của vùng Đông Nam bộ mà chúng ta nhận lãnh vai trò là KHCN, là công nghiệp công nghệ cao, là dịch vụ chất lượng cao, từ đây sẽ lan tỏa đến các vùng khác và cả nước. Về không gian đô thị, tôi nghĩ nên có sự phân bổ không gian đô thị theo hướng đô thị công nghiệp dịch vụ trên nền tảng đô thị tri thức sáng tạo và đô thị thông minh. Tôi nghĩ Đông Nam bộ hoàn toàn có điều kiện để phát triển theo mô hình này" - đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Lãnh đạo các bộ ngành tham dự tại hội nghị. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Về giao thông kết nối nội vùng và giao thông kết nối Đông Nam bộ với ĐBSCL và nối ra bên ngoài, theo Chủ tịch UBND TPHCM nên chăng đặt đường sắt kết nối vùng thành một mạng lưới và mạng lưới này chi phối cả chuyện phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng logistics và mô hình quản lý hành chính của vùng.
Chúng ta nên khẳng định quan điểm sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu, sân bay Long Thành sẽ hình thành thời gian sắp tới, kể cả sân bay Biên Hòa hay một số sân bay khác trong vùng vẫn có thể có điều kiện để phát triển với các công năng đa dạng, không chỉ là vận tải hành khách, hàng hóa mà còn phục vụ cho các dịch vụ khác. Phát triển giao thông kết nối giữa vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL hay với Tây Nguyên, miền Trung là một việc rất quan trọng.