Trước hết, nên có thêm nhiều biện pháp tuyên truyền để tác động trực tiếp, cụ thể và mạnh mẽ đến từng người dân, nhất là trong học sinh, sinh viên, tuyên truyền bằng các biện pháp trực quan, sinh động, gắn với sự tác động, nhắc nhở lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng (như giữa các hộ gia đình, giữa học sinh với nhau). Ở các sinh hoạt tập thể, nên chú ý nhiều hơn vấn đề vệ sinh môi trường và lấy đây làm một tiêu chí để đánh giá các hình thức thi đua.
Ở các khu dân cư, nên phát động và duy trì thường xuyên hoạt động quét dọn hàng tuần với sự tham gia của đông đảo bà con trong khu vực đó. Chẳng hạn, ở một khu chung cư, ngoài hoạt động quét dọn của công nhân vệ sinh thì hàng tháng nên có cuộc tổng vệ sinh ở các hành lang, khu vực chung, sân chung. Ở trường học, mỗi nửa tháng cũng nên huy động học sinh dọn dẹp vệ sinh lớp học, sân trường, nhà vệ sinh, không chỉ tạo môi trường sạch sẽ mà còn rèn ý thức giữ gìn vệ sinh của học sinh. Ở mỗi cụm dân cư (hẻm, đường…), hàng tuần nên có hoạt động quét dọn đường, hẻm, cắt tỉa cây xanh, nhổ cỏ mọc hoang, thu gom các vật dụng chứa nước có thể làm chỗ sinh sôi muỗi…
TPHCM nên vận dụng chính sách về đặc thù để xây dựng các quy định phù hợp nhằm xử lý vấn đề vệ sinh môi trường. Trong đó, xem xét tổ chức kiểm tra, giám sát việc xả rác bừa bãi, thực hiện việc xử phạt nghiêm túc; đồng thời ban hành quy định mới có mức phạt cao hơn mức phạt được quy định chung, nhất là với các hành vi cố ý. Vận dụng các quy ước cộng đồng xử lý một số trường hợp tái phạm nhiều lần (hay vứt rác bừa bãi, bỏ rác ra đường không đúng giờ, để súc vật nuôi chạy rong và phóng uế), có thể thực hiện việc nhắc nhở, kiểm điểm tại cộng đồng để tạo sự giáo dục chung.