Tâm tư của giáo viên dạy Sử
Cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), cho biết dù giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng kết quả dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao. Đó là do có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học. Thực tế, các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học khác rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc.
Cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), thì cho rằng điểm Lịch sử thấp do học sinh không hứng thú với môn học này. Vì thế, giải pháp là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. “Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động, môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học Sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh”, cô Hoàng Thị Lan Hương nói. Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cũng nhận xét, môn Lịch sử hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên học sinh chỉ học đủ điểm để qua môn.
Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS-TS Vũ Minh Giang nhận định: “Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động”. Theo GS Vũ Minh Giang, đổi mới dạy và học Lịch sử không thể nhanh được, vì nó có độ trễ, sự “đông cứng” trong chính các thầy cô giáo. Chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành Sử”, chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Lịch sử. Muốn thế, tính hấp dẫn của môn Lịch sử phải có, “đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi”.
GS-TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, gợi mở nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, vị trí của môn học sẽ nâng cao hơn. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Xóa tâm lý “môn chính - môn phụ”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử để dự thi THPT quốc gia ngày càng tăng trong những năm qua đã cho thấy sự quan tâm của học sinh với môn học này. Bộ GD-ĐT tới đây sẽ phải có những điều chỉnh, chỉ đạo về cả cách dạy, cách học, cách thi của môn Lịch sử. Trước mắt, trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì phải rà soát lại ngay chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông theo hướng tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi, những gì bất cập phải bỏ, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới. “Đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn học này. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý “môn chính - môn phụ” thì khó đổi mới được”, người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đổi mới dạy và học môn Lịch sử là tất yếu nhưng đổi mới thế nào để môn học trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú. Không thể để tâm lý “môn chính - môn phụ” tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm “môn chính - môn phụ”; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt “môn chính - môn phụ” trong chỉ đạo; giáo viên phải bước qua tâm lý này. “Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn học này”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.