Ngày 15-5, tại TP Đà Nẵng, Công ty TNHH Mỹ Phương Food (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) ký kết hợp tác với Công ty TNHH Trà Vinh Farm (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh).
Công ty TNHH Mỹ Phương Food (TP Đà Nẵng) kí kết hợp tác với Công ty TNHH Trà Vinh Farm (tỉnh Trà Vinh) |
Công ty TNHH Trà Vinh Farm sẽ là nhà cung cấp đường từ mật hoa dừa để làm nguyên liệu đầu vào cho Mỹ Phương Food sản xuất sản phẩm bánh hoa dừa.
Đáng chú ý, điểm chung của cả 2 đơn vị này đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các đơn vị có sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và đang được đề xuất trở thành sản phẩm OCOP 5 sao.
Sản phẩm COCOOL là sự kết hợp từ 2 đơn vị |
2 doanh nghiệp chủ động thích ứng với sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng đó là xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, lành mạnh; sản xuất ra sản phẩm người tiêu dùng cần chứ không phải là sản xuất cái mình có.
Theo bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc điều hành Mỹ Phương Food, tại hội chợ Vietnam Foodexpo 2022, đơn vị gặp gỡ và kết nối thành công với Công ty TNHH Trà Vinh Farm. 2 đơn vị đã cùng chung ý tưởng kết nối để tạo chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. Trong đó, sản phẩm của doanh nghiệp này sẽ là nguyên liệu đầu vào của đơn vị còn lại.
Theo bà Nhi, lợi thế của Việt Nam là có rất nhiều vùng nguyên liệu tốt, chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn là xuất khẩu dạng thô, giá trị gia tăng cho sản phẩm chưa cao. Vì vậy việc kết nối về nguyên liệu, chế biến sâu sẽ tạo chuỗi sản xuất, tiêu thụ của từng nhóm ngành (ở đây là ngành dừa), hướng đến là sản phẩm “made by Vietnam” ra thị trường thế giới.
Còn ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho hay, nếu sản xuất và có đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu mật hoa dừa sẽ giúp thu nhập của người dân trồng dừa Trà Vinh tăng 3 – 5 lần so với trồng dừa lấy quả hiện tại. Đây là sản phẩm triển vọng giúp người trồng dừa Trà Vinh chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với xâm nhập mặn đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Việc kết nối giúp tận dụng vùng nguyên liệu và chế biến sâu |
Theo TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc biệt quan trọng và rất có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới hiện có nhiều biến động như lạm phát, tài chính khủng hoảng. Kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn nhất định khi tăng trưởng thấp, tiêu dùng trong tháng 3 và tháng 4-2023 có chiều hướng giảm. Theo một khảo sát mới đây của VCCI về 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp đó là đầu vào sản xuất, giá nguyên vật liệu tăng; huy động vốn khó khăn và đặc biệt là thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra. Vì vậy, việc kết nối có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề đơn hàng, đầu ra cho doanh nghiệp.
Theo ông Jesper Clausen, Chủ tịch Ủy ban ngành Lương thực – Nông nghiệp và Thủy sản, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), chương trình OCOP là một chương trình tích cực và chủ thể sản phẩm OCOP phải tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm và phải chủ động kết nối. Để sản phẩm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính như EU thì ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn cứng thì doanh nghiệp phải chú trọng đến khía cạnh “xanh-phát triển bền vững” của sản phẩm. Chủ thể sản phẩm OCOP cần phải làm sao để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm đó, tăng hàm lượng chế biến sâu; sản phẩm đó phải mang đậm giá trị bản địa.
Doanh nghiệp phải chủ động kết nối, liên hệ, tìm cơ hội từ những hoạt động xúc tiến |
“Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động, không nên ngồi im chờ đợi, phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Nhà nước hay chờ đợi các đối tác, chờ đợi họ tìm đến mình, “gõ cửa” nhà mình, mà mình phải tự tìm đến họ. Chủ động kết nối, liên hệ, tìm cơ hội từ những hoạt động xúc tiến”, ông Jesper Clausen nói.