Đạt chuẩn cũng bị… rào cản
Thông tin mới nhất từ Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đưa ra tại hội thảo “Vượt qua hàng rào kỹ thuật ngành nông sản, thực phẩm để xuất khẩu vào châu Âu” cho thấy, Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có số lượng trường hợp nhận cảnh báo và bị trả hàng từ thị trường châu Âu. Tính riêng ngành thực phẩm trong năm 2017, có khoảng 92 trường hợp và từ đầu năm 2018 đến nay là 44 trường hợp nhận cảnh báo từ thị trường châu Âu.
Trước đó, để hạn chế lượng hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Chính phủ Mỹ đã áp dụng rất nhiều rào cản kỹ thuật. Điển hình nhất là áp mức thuế đến hơn 200% lên một số sản phẩm thép của Việt Nam. Vào cuối năm 2016, Chính phủ Mỹ cũng đột ngột thay đổi nhiều quy định liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự thay đổi này ngay lập tức đã khiến khoảng 600 doanh nghiệp Việt bị chặn cửa vào thị trường này. Tính đến nay, sau 2 năm nỗ lực hoàn thiện hồ sơ theo quy định mới về luật hiện hành an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thể xuất hàng vào lại thị trường này.
Theo các chuyên gia kinh tế, hàng Việt Nam bị hạn chế xuất khẩu vào thị trường nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu… không phải do hàng Việt không đạt chuẩn quy định toàn cầu mà thậm chí đạt rất tốt. Chính vì đáp ứng tốt tiêu chuẩn toàn cầu nên lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng. Minh chứng rõ nhất là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam năm 2016 đạt 176 tỷ USD; đến năm 2017, con số này đã lên 214,02 tỷ USD. Thống kê gần đây nhất trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 134,51 tỷ USD.
Sự gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu được xem là tín hiệu vui cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, doanh nghiệp ở những nước nhập khẩu lại quan ngại. Sự gia tăng mạnh hàng nhập khẩu từ nước khác sẽ tạo sức ép cạnh tranh với những doanh nghiệp sản xuất cùng mặt hàng trong nước. Do vậy, họ đã gây sức ép trở lại để chính phủ nước sở tại thiết lập ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế hàng nhập khẩu từ nước khác. Điều này càng đáng lo ngại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại cực đoan đang trỗi dậy ở nhiều nước.
Củng cố thị trường nội địa
Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã quay trở lại đầu tư chiếm giữ thị phần nội địa. Nhìn từ góc độ doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam, nước ta được đánh giá là thị trường tiềm năng với quy mô dân số lên đến gần 100 triệu người; trong đó, 60% dân số trong độ tuổi lao động. Đây được xem là đối tượng tiêu dùng hiện tại và tiềm năng.
Nắm bắt vấn đề này, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp cùng Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) triển khai chương trình hỗ trợ hàng Việt củng cố chất lượng, xây dựng thương hiệu và từng bước tiếp cận sâu với người tiêu dùng. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết nằm trong khuôn khổ thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như nhận thấy nhu cầu tiêu dùng hàng Việt là có thật và ngày càng tăng cao trong cả nước, Saigon Co.op đã phối hợp với hàng trăm đơn vị trong nước tổ chức tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt 21 năm đồng hành” tại hệ thống Co.opmart và Co.opXtra, cùng các mô hình bán lẻ khác của Saigon Co.op (gồm Co.op Food, Co.opSmile, Cheers, HTV Co.op và Sense City) trên toàn quốc.
Bên cạnh việc ưu tiên quảng bá hàng Việt một cách xuyên suốt, chương trình tập trung thực hiện giảm giá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu, nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Qua đó, giúp nâng cao uy tín và gia tăng sức mua của các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo người tiêu dùng. Đến nay, chương trình quy mô nhất dành riêng cho hàng Việt này của Saigon Co.op đã có hành trình 21 năm đồng hành và chinh phục người tiêu dùng trong nước, từng bước đưa hàng Việt xuất ngoại.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận xét, tỷ lệ hàng Việt hiện nay tại các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đang chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, đạt trên 90% tại các hệ thống trong nước (siêu thị Co.opmart, Satramart, Big C, AEONCitimart,…) và khoảng 60% - 90% tại hệ thống nước ngoài (Parkson, Diamond…). Điều này cho thấy, sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn đang chiếm thị phần lớn tại kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, việc cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại ngày càng khốc liệt, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt muốn tồn tại phải chủ động cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu, tâm lý và thị hiếu người tiêu dùng trong nước để sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Về phía Sở Công thương TPHCM, thông qua chương trình hợp tác thương mại giữa thành phố và các tỉnh thành, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị phân phối lớn tại TPHCM hợp tác, kết nối trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại các tỉnh thành nhằm hạn chế khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm, góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa. Qua đó, giúp doanh nghiệp phân phối của thành phố có được nhiều nguồn hàng chất lượng cao, giá cả phù hợp và nâng cao sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp nước ngoài.