* Đồng chí LẠI XUÂN MÔN, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương: Nâng cao đạo đức cách mạng từ tấm gương Bác
Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Tư tưởng của Người là ngọn hải đăng, soi dẫn để Đảng và nhân dân ta phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng. Học tập và làm theo Người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến và phụng sự Tổ quốc; xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đạo đức, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”. Phải tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, đạo đức, phương pháp, phương thức lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, tổ chức đảng các cấp phải luôn “tự giác nêu gương” đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm nền tảng tăng cường năng lực, sức mạnh cầm quyền và hiệu quả phương thức lãnh đạo.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương |
Đảng ta luôn coi công tác xây dựng Đảng là vấn đề then chốt, sống còn, có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại, phát triển của Đảng. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh ngang tầm với sự lãnh đạo.
Từ Đại hội VI, Đảng ta đã cảnh báo, vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách. Các kỳ đại hội từ Đại hội VIII đến Đại hội XII của Đảng tiếp tục chỉ ra tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp tục phát triển quan điểm chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng về đạo đức từ Đại hội XII, Đại hội XIII khẳng định, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong những trụ cột của công tác xây dựng Đảng.
Trên tinh thần đó, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là giải pháp có tính căn cốt, có ý nghĩa quyết định, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ, cương vị càng cao càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng nhân dân noi theo. Song song với xây dựng và thực hiện bộ chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Qua đó, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày.
* Đồng chí PHẠM PHƯƠNG THẢO, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Quan tâm đến 5 trụ cột
Đảng bộ TPHCM là một đảng bộ lớn, thời gian qua đã triển khai thực hiện với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của thành phố, của đất nước.
Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM |
Trong đó, công tác xây dựng Đảng luôn được xem là nhiệm vụ then chốt. Nội dung công tác xây dựng Đảng đã được mở rộng, gồm 5 trụ cột cơ bản: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Cụ thể, xây dựng Đảng về chính trị là đảm bảo đường lối chính trị, nhiệm vụ chính trị đúng đắn, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Xây dựng Đảng về đạo đức được đặc biệt coi trọng trong tình hình hiện nay vì gắn liền với củng cố niềm tin và uy tín của Đảng. Đức và tài là 2 tiêu chuẩn cơ bản của người cán bộ nhưng đức được xem là gốc, làm nên sức mạnh của Đảng.
Tôi cho rằng, để đường lối, nhiệm vụ chính trị trở thành hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì phải làm tốt công tác tư tưởng. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục xây dựng tư tưởng cách mạng tiến công với tinh thần: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Ngoài ra, công tác tổ chức đã có những kết quả nhất định trong sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế nhưng nhìn chung còn bất cập, cần phải khắc phục. Đó là sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ chưa giảm, áp lực đối với cán bộ cơ sở còn lớn, thu nhập đối với cán bộ công chức, viên chức thấp và không có chế độ thâm niên. Tình trạng công chức, viên chức rời khỏi khu vực công chưa có dấu hiệu giảm đang đặt ra nhiều vấn đề cần được xem xét thấu đáo, không chỉ có áp lực công việc và thu nhập thấp.
Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện với quy trình chặt chẽ gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ. Ngoài ra, cán bộ trẻ được tuyển chọn đào tạo trên đại học trong nước và ngoài nước đang phát huy tác dụng tốt. Dù vậy, thực tế cho thấy có những quy định làm “hành chính hóa” cán bộ đoàn thể, nhiều người trúng tuyển công chức làm công tác đoàn thể mà không trưởng thành từ phong trào, từ công tác đoàn thể… Vấn đề cần quan tâm là sao cho công tác quy hoạch được thực hiện một cách linh hoạt, không máy móc, quan trọng là chọn đúng người, đúng việc, phát huy được người tốt, người tài, kể cả người ngoài Đảng theo tinh thần của Bác Hồ.
Bên cạnh đó, công tác thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, TPHCM đã sớm có chính sách và triển khai nhiều năm nhưng trong thực tế kết quả mang lại chưa nhiều, có nhiều nguyên nhân, trong đó có chế độ hỗ trợ chưa phù hợp, quy trình phức tạp, cùng những khó khăn về môi trường, điều kiện làm việc, cách thu hút chất xám và mô hình vận hành của các loại hình tập hợp...
* Đồng chí PHẠM CHÁNH TRỰC, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM: Chỉnh đốn Đảng là yêu cầu đặc biệt quan trọng
Đảng ta duy nhất cầm quyền nên cần phải thường xuyên thực hiện phê bình, tự phê bình, thực hiện chỉnh đốn Đảng khi cần thiết. Việc tiến hành chỉnh đốn Đảng là yêu cầu đặc biệt quan trọng và cấp thiết hiện nay. Ngoài thực hiện tốt các nội dung chỉnh đốn Đảng cần quan tâm đến các biện pháp. Trong đó, công tác quy hoạch cán bộ, đề bạt, cất nhắc, phân công cán bộ cần đươc thực hiện công khai dân chủ. Công tác kiểm tra đối với tổ chức Đảng, kiểm tra đảng viên cần được tiến hành nề nếp, thường xuyên, không nên để sai lầm, khuyết điểm rồi mới phát hiện.
Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM |
Người đứng đầu cần phải nêu gương, phải thấm nhuần sâu sắc đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để tạo ra một bước đột phá trong lãnh đạo xây dựng “Chính quyền liêm chính”, “Chính phủ kiến tạo” - điều kiện tiên quyết để xây dựng và quản lý điều hành đất nước thành công. Khi người đứng đầu các cấp ủy Đảng gương mẫu, trong sạch thì cấp dưới và bộ máy nhà nước khó tham ô, nhũng nhiễu, cửa quyền.
Cùng với đó, lãnh đạo cần phải luôn luôn sát thực tiễn, hiểu rõ thực tiễn, tìm ra quy luật vận động của thực tiễn; cần phải dũng cảm, quyết đoán, dám làm dám chịu trách nhiệm. Mặt khác, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường là nguyên nhân khách quan gây tác động xấu vào hệ thống tổ chức Đảng, nhưng chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ đảng viên không được thường xuyên đấu tranh tẩy trừ, gột rửa là nguyên nhân chủ quan quyết định trực tiếp làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Sinh hoạt chi bộ lỏng lẻo, hình thức, không thực hiện nghiêm túc phê bình, tự phê bình là khởi đầu của đảng viên sa sút ý chí, xa rời tập thể, dẫn tới thiếu kiên định lý tưởng cách mạng, khó vượt qua khó khăn thách thức.
Tôi cho rằng, trong chỉnh đốn Đảng, cần thực hiện kiểm điểm từ Trung ương trước để làm gương, rồi dần dần xuống, cuối cùng là đảng viên các chi bộ cơ sở. Củng cố, kiện toàn chi bộ cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ Đảng và quản lý, kiểm tra đảng viên từ sớm. Lãnh đạo cần thường xuyên bám cơ sở, đảng viên sâu sát gần gũi quần chúng lao động, nhất là người nghèo.
“Kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, do vậy tôi kiến nghị Trung ương chủ trương “giao nhiệm vụ cho đảng viên lãnh đạo quần chúng làm kinh tế hoặc hướng dẫn đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân”, không nên để đảng viên tự xoay xở hoặc bàng quan đứng ngoài kinh tế.