Tạo bước đột phá đưa TPHCM phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực

Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất 2018, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Sài Gòn Giải Phóng về những giải pháp đột phá để Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên sánh ngang tầm với các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực. 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, TPHCM
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước có khu chế xuất, công viên phần mềm, khu công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học, triển khai chương trình đào tạo 1.000 giám đốc doanh nghiệp và chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ công tác trong các lĩnh vực công và các trường đại học.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương đầu tiên tổ chức hội chợ thiết bị công nghệ và hoạt động này đã trở thành thương hiệu quốc gia. Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp gần 22% kinh tế (GDP) và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 30 năm đổi mới bình quân 10,7%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của Thành phố Hồ Chí Minh gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với những khó khăn gia tăng về giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường; áp lực đầu tư cho nhà ở, giáo dục và y tế rất lớn, hạ tầng thương mại còn thiếu; tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy cao và số vụ án được xét xử ở Thành phố nhiều nhất cả nước. Đây là các thách thức ngày càng gia tăng và cản trở sự phát triển của Thành phố. 
Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất 2018, đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Sài Gòn Giải Phóng về những giải pháp đột phá để Thành phố Hồ Chí Minh vươn lên sánh ngang tầm với các thành phố lớn của các quốc gia trong khu vực. 
PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, năm Đinh Dậu 2017 qua đi với nhiều sự kiện quan trọng của cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc Báo SGGP về sự kiện gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với đồng chí trong năm 2017?
 Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Năm 2017 là một năm đặc biệt của đất nước: Năm thiên tai nhiều nhất nhưng là năm đầu tiên trong 10 năm qua đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã biểu quyết. Là năm Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017 (lần thứ 25) với số lượng các đại biểu quốc tế và báo chí tham dự cao nhất. Là năm đánh dấu sự bứt phá vô cùng ngoạn mục của một loại sản phẩm rất đặc thù của nông dân Việt Nam, chưa được đầu tư bài bản, chưa phải là sản phẩm quốc gia như gạo, cà phê, song thực tế đã trở thành sản phẩm quốc gia. Năm 2010, xuất khẩu gạo là 3,25 tỷ USD, cà phê là 1,85 tỷ USD, thủy hải sản là 5,02 tỷ USD, xuất khẩu dầu thô là 5,02 tỷ USD và xuất khẩu quả rau hoa là 0,46 tỷ USD. Ấy vậy mà năm 2017, xuất khẩu quả rau hoa là 3,5 tỷ USD, lớn hơn xuất khẩu gạo (2,62 tỷ USD), lớn hơn xuất khẩu cà phê (3,24 tỷ USD), lớn hơn xuất khẩu dầu thô (2,87 tỷ USD), chỉ thấp hơn xuất khẩu thủy sản  (8,32 tỷ USD). Dự báo giai đoạn 2021-2025, xuất khẩu quả rau hoa có thể đạt 10 tỷ USD/năm. 
Sau 22 năm, từ năm 1995 đến 2017, xuất khẩu thủy hải sản tăng 13 lần, từ 621 triệu USD đến 8,32 tỷ USD, còn xuất khẩu quả rau hoa tăng 62 lần, từ 56 triệu USD lên 3,5 tỷ USD. Trồng và xuất khẩu quả rau hoa thực sự đã trở thành con đường giảm nghèo, làm giàu rất hiệu quả cho nông dân Việt Nam ở các vùng nông thôn, miền núi ở mọi miền đất nước, làm cho thu nhập của nông dân từ 80 triệu đồng đến 400 triệu đồng/ha/năm trở thành hiện thực, cao hơn thu nhập của người lao động làm thuê trong các doanh nghiệp. Đi sâu phân tích thành tựu ngoài dự kiến này sẽ cho ta những bài học rất quý giá của hơn 30 năm hội nhập và phát triển của Việt Nam. 
Năm 2017 còn là năm công tác phòng chống tham nhũng, suy thoái đã có những kết quả rất quan trọng, đem lại niềm tin mới trong nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.  
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả phát triển cao của hơn 30 năm đổi mới trong khi không có cơ chế, chính sách đặc thù là do tác dụng tổng hợp của nhiều yếu tố “đặc thù” bên trong vốn có của Thành phố, đó là: Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại nhất cả nước từ rất sớm (năm 1976, cơ cấu công nghiệp và dịch vụ đã chiếm trên 90% kinh tế Thành phố và từ năm 2015 chiếm hơn 99%); lao động Thành phố có trình độ thuộc nhóm cao nhất cả nước với khoảng 30% có trình độ đại học, cao đẳng; Thành phố có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước (chiếm 34% tổng số doanh nghiệp cả nước); có lực lượng kinh tế tư nhân lớn nhất cả nước (vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chiếm gần 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thành phố năm 2016); Thành phố có năng suất lao động cao nhất cả nước, là trung tâm tài chính lớn nhất nước; Đảng bộ và nhân dân Thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo, đổi mới…
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã bộc lộ sự giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực (tăng trưởng kinh tế hàng năm giảm từ mức trên 10% xuống mức trên 8% và nguy cơ xuống mức trên 6% sau 10 năm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ trọng xuất khẩu so với cả nước, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh giảm), các yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy cao nhất và số vụ án được xét xử ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhất cả nước (chiếm khoảng 16% cả nước trong khi dân số chỉ chiếm hơn 9% dân số cả nước).
Trong quá trình tìm giải pháp khắc phục hiệu quả các khó khăn kéo dài nói trên, Thành ủy đã nhận ra 2 trở ngại lớn nhất là: 
 - Cơ chế vận hành, quản lý thành phố chưa phù hợp với đặc điểm đô thị  đông dân nhất cả nước (20 năm qua, bình quân 5,5 năm dân số tăng 1 triệu người, sau năm 2025 sẽ có dân số trên 10 triệu người; mật độ dân số cao hơn 15 lần bình quân cả nước) và đặc điểm là nền kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 21% kinh tế cả nước và có cường độ kinh tế (GDP/km2) gấp hơn 33 lần cả nước, đóng góp 28% thu ngân sách cả nước).
- Thiếu nguồn lực để duy trì phát triển với tốc độ tương đối cao và bền vững, giải quyết các nhu cầu về dịch vụ hạ tầng, văn hóa xã hội, y tế, môi trường sống, trong bối cảnh thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu (Thành phố nộp khoảng 82% tổng thu ngân sách về Trung ương, chỉ được giữ lại khoảng 18% để chi thường xuyên và đầu tư phát triển Thành phố). 
Năm 2017 chính là năm Thành ủy đã có sự phân tích, đánh giá đồng bộ, hệ thống và sâu sắc nhất về những thành tựu, yếu kém trong phát triển thành phố hơn 30 năm qua, nguyên nhân chủ quan và khách quan, khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đã xác định mục tiêu: Khẩn trương sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, đồng thời trình Bộ Chính trị cho phép Thành phố chuẩn bị để trình Chính phủ, Quốc hội có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn, vì cả nước. 
Được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, ngày 19-10-2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã báo cáo Bộ Chính trị đề án Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững hơn, vì cả nước. Sau phiên họp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 24-10-2017, trong đó có nêu rõ “Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn”.  
Đúng 1 tháng sau, ngày 24-11-2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (NQ 54/2017/QH14) với tỷ lệ rất cao, 93,69%. Đây là sự tin cậy của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, yêu cầu Thành phố phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước. Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội chính là sự thể chế hóa nhanh nhất ở cấp cao nhất một chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị, một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời. Đó cũng là sự kiện hết sức đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh ở năm 2017.
Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội là động lực phát triển mới của Thành phố, đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị quyết 54/2017/QH14 có 5 lĩnh vực và 18 nội dung được điều chỉnh, là động lực mới để thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững. Thành phố có kế hoạch triển khai Nghị quyết như thế nào, và đâu là lĩnh vực ưu tiên triển khai trước nhất?
Thực hiện trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội về thực hiện hiệu quả những nội dung của Nghị quyết NQ 54/2017/QH14, trong tháng 12-2017, tức là trước khi Nghị quyết có hiệu lực vào ngày 15-1-2018, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân Thành phố và Ủy ban Nhân dân Thành phố đều đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch để xác định những nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện quyết liệt trong giai đoạn 3 năm (2018-2020) và của năm 2018. Theo đó, UBND Thành phố sẽ triển khai 21 đề án, trong đó 6 tháng đầu năm 2018 sẽ chuẩn bị để báo cáo Thường vụ Thành ủy và trình Hội đồng nhân dân Thành phố các đề án như: phân cấp, ủy quyền của UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố, sắp xếp lại, tinh gọn các Ban quản lý các dự án trực thuộc Thành phố và quận, huyện; điều chỉnh mức thu một số loại phí; chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia; thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2018... Thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 sẽ trở thành một nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng bộ Thành phố và các đơn vị. Việc triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 gắn liền với việc thực hiện 7 Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X. Hàng tháng, Thường trực Thành ủy sẽ nghe Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo kết quả thực hiện, hàng quý Thường vụ Thành ủy sẽ nghe và cho ý kiến chỉ đạo.
Trong quá trình xây dựng 21 đề án của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14, Thành phố sẽ huy động sự tham gia  rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.
Ghi nhận của PV SGGP, Đề án xây dựng thành phố thông minh sau khi được công bố vào ngày 26-11 đã được người dân Thành phố Hồ Chí Minh rất đồng tình, ủng hộ. Theo đồng chí, để đạt được các mục tiêu của dự án, thì yếu tố then chốt là gì? 
Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, hướng đến 4 mục tiêu: Đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt (hạ tầng, y tế, giáo dục…); người dân được chính quyền phục vụ tốt; sự tham gia quản lý và giám sát của người dân, tổ chức xã hội.
 Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh gồm 3 nhóm giải pháp chính:
1. Nhóm 4 giải pháp cấp Thành phố: 1.Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và mở; 2.Xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; 3.Xây dựng trung tâm điều hành; 4. Xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh thông tin.
2. Nhóm các giải pháp quản lý, phát triển thông minh các lĩnh vực như: Chính quyền điện tử; quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và chỉnh trang đô thị thông minh; quản lý giao thông thông minh; quản lý môi trường thông minh; giáo dục thông minh; y tế thông minh; an ninh trật tự thông minh; chống ngập thông minh…  
3. Nhóm các giải pháp tạo nguồn lực như: 1. Cơ chế phối hợp và chính sách tài chính; 2.Đào tạo nhân lực; 3. Truyền thông; 4.Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Để tiến tới đô thị thông minh thì cần tập trung cao độ để triển khai 4 giải pháp cấp thành phố làm nền tảng cho thành phố phát triển hướng tới 4 mục tiêu của đô thị thông minh, trên cơ sở đó mà triển khai quản lý và phát triển thông minh các lĩnh vực tùy theo nhu cầu và điều kiện của thành phố trong từng giai đoạn. Không có 4 giải pháp này thì chính quyền điện tử không thể là chính quyền thông minh, không thể có quy hoạch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh…
Tạo bước đột phá đưa TPHCM phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM  Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong 4 mục tiêu của đô thị thông minh thì 3 mục tiêu là phục vụ cho cuộc sống của người dân, còn mục tiêu thứ tư là phát huy vai trò của người dân: là các cảm biến xã hội (ghi nhận hiện tượng tích cực và tiêu cực của xã hội), là người sáng tạo (đề xuất các giải pháp để phát triển thành phố, tham gia vào quá trình quản lý thành phố) và người chủ xã hội (giám sát và đánh giá hoạt động của chính quyền các cấp).
Như vậy, để đô thị thông minh triển khai hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, thì rất cần sự chủ động, tích cực của mỗi người dân trong việc thực hiện 3 chức năng của mình: cảm biến xã hội - người sáng tạo - người chủ xã hội.
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ Thành phố, đồng chí nhìn nhận như thế nào về các giải pháp đột phá của Thành phố để đưa Thành phố phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực?
Ở mỗi giai đoạn phát triển, Đảng bộ thành phố đều quan tâm tổng kết thực tiễn và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nghiên cứu, học tập các mô hình phát triển của các nước để hoạch định chiến lược phát triển của thành phố. Đại hội X của Đảng bộ thành phố chúng ta đã xác định 7 chương trình đột phá là: 1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 2. Cải cách hành chính. 3. Nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố. 4. Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. 5. Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 6. Giảm ô nhiễm môi trường. 7. Chỉnh trang và phát triển đô thị.
Hơn 2 năm qua Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt triển khai thực hiện 7 chương trình này và đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, qua thực tiễn 2 năm và quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố đến năm 2020, chúng ta đã đã nhận thấy với cơ chế quản lý, vận thành thành phố như ở thời điểm 2015-2016, chúng ta chưa đủ nguồn lực và động lực để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tiến tới ngang tầm với các thành phố ở khu vực. Vì vậy, trong 2 năm 2016-2017, chúng ta đã bổ sung 3 giải pháp có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với sự phát triển của các đô thị trên thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là:
1.- Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” (UBND TP đã ký ban hành và công bố ngày 26-11-2017).
2.- Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (ban hành ngày 24-11-2017).
3.- Triển khai Đề án quy hoạch Khu đô thị sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm quận 9, quận 2 và quận Thủ Đức với diện tích hơn 21.000ha, dân số gần 1 triệu người, với khu công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp 15.000 doanh nghiệp, khu đô thị mới Thủ Thiêm, 12 trường đại học với 1.500 tiến sĩ và hơn 70.000 sinh viên. Đây sẽ là đầu tàu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố và khu vực phía Nam.
Đây chính là 3 giải pháp mới, có tính đột phá về cơ chế, chính sách và thể chế để Thành phố có thêm nguồn lực và động lực, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, phù hợp với quy luật phát triển của các đô thị hiện nay.
Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, như vậy nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới đặt ra nhiều vấn đề mới với yêu cầu ngày càng cao, cần phải có một đội ngũ cán bộ, công chức đủ tầm để đáp ứng. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực này sẽ được tiến hành thế nào?
Năm 2018 là năm bản lề của thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Đại hội X của Đảng bộ Thành phố. Đảng bộ Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, sâu sắc hơn Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 và 7 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước phải bị xử lý đúng mức, không có vùng cấm. Cán bộ, đảng viên lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị kết quả hạn chế, không đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn hiện nay, tín nhiệm thấp, cần được bố trí công việc khác. Cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm cao, sáng kiến, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cần được phát huy mạnh mẽ. 
Việc trả lương, thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy sẽ được điều chỉnh, phản ánh hiệu quả công tác, đóng góp của từng cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan cho sự phát triển của thành phố, vì cả nước. Theo Nghị quyết 54/2017/QH14, Thành phố có thể trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ, nếu Thành phố có nguồn trả thông qua nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách. Đây cũng là một động lực quan trọng để toàn hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả hơn, triển khai mạnh mẽ các chương trình và giải pháp đột phá phát triển Thành phố.
Nhân dịp năm mới Mậu Tuất -2018, đồng chí Bí thư Thành ủy có gửi gắm gì đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thành phố? 
Tết Mậu Tuất 2018 là dịp Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý chí tiến công, sự hy sinh dũng cảm, xả thân vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, vì hoà bình cho mọi người Việt Nam của bộ đội Cụ Hồ, của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định, của các má, các chị, các anh, các em, ở vùng ven và nội đô Sài Gòn-Gia Định vẫn cháy bỏng trong trái tim, khối óc của gần 100 triệu người Việt Nam. 
Hơn 42 năm độc lập tự do, đất nước thống nhất, Việt Nam tan hoang, đổ nát, đau thương sau chiến tranh ngày nào đã trở thành một quốc gia phát triển trung bình, có quy mô nền kinh tế theo sức mua tương đương đứng thứ 35 trên thế giới, là một đất nước hoà bình, chính trị ổn định, là một đối tác có tín nhiệm và trách nhiệm trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế. 
Trong sự vươn mình, cất cánh tự hào của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh với truyền thống đoàn kết, kiên cường, sáng tạo, nghĩa tình đã góp phần không nhỏ. Thế giới đang chuyển giai đoạn về chính trị và kinh tế. Thời cơ mới đi kèm với thách thức khu vực và toàn cầu với Việt Nam còn lớn hơn 30 năm qua. Để Việt Nam cất cánh cao hơn, nhanh hơn, để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là đầu tàu kinh tế của đất nước, mỗi đảng viên, công chức, người lao động; mỗi cơ quan, doanh nghiệp, trường học, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang của thành phố mang tên Bác cần đoàn kết hơn, kiên cường hơn, sáng tạo hơn, nghĩa tình hơn. Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội đã mở thời cơ cách mạng mới cho Thành phố. Tôi xin chân thành kính chúc hơn 9 triệu đồng bào thành phố mang tên Bác một năm mới Mậu Tuất luôn nhiều sức khoẻ, may mắn, sáng tạo, thành công và hạnh phúc. Một mùa xuân mới hơn hẳn những xuân qua đang đến với mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam!
Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!
        5 lĩnh vực được thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù
Nghị quyết 54/2017/QH14 cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trên 5 lĩnh vực: đất đai, đầu tư công, tài chính - ngân sách, bộ máy hành chính và thu nhập cán bộ - công chức; với 8 đối tượng áp dụng là: Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tin cùng chuyên mục